Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam
Theo Báo cáo “The Connected Consumer Q4 2022” do MMA Việt Nam và Decision Lab công bố mới đây, Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam năm 2022. Con số ấn tượng này giúp Zalo tiếp tục củng cố vị thế là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay.
Người dùng Zalo chiếm tới hơn 74% dân số Việt Nam. |
Theo số liệu báo cáo, tại danh mục những nền tảng nhắn tin hàng đầu Việt Nam, hết quý 4/2022, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo sau là Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%.
Báo cáo đánh giá Zalo phá vỡ rào cản vô hình, tăng trưởng với hiệu suất 6% mức độ yêu thích so với quý trước. Đây là mức tăng nhanh hơn cả ứng dụng Youtube và Facebook trong năm qua. Phần lớn mức tăng trưởng này nằm ở nhóm người dùng Gen X (42 đến 62 tuổi) và Gen Z (16 đến 25 tuổi).
Con số ấn tượng này giúp Zalo tiếp tục củng cố vị thế là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay. (Cụ thể, thống kê năm 2020, Facebook Messenger đạt 75,8% và Zalo là 76,5%. Đây cũng là năm đánh dấu sự “soán ngôi” của Zalo để trở thành ứng dụng nhắn tin có tỷ lệ người dùng cao nhất Việt Nam).
Zalo có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. |
Có thể làm một phép so sánh tương đối, kết thúc năm 2022, dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người, trong khi đó, Zalo công bố có 74 triệu người dùng thường xuyên, như vậy, ước tính, người dùng nền tảng nhắn tin “made in Việt Nam” này chiếm tới hơn 74% dân số nước ta.
Những con số trên cho thấy, nhu cầu trao đổi trực tuyến qua ứng dụng nhắn tin Zalo đã trở nên không thể thiếu trong công việc và đời sống hàng ngày, điều này đòi hỏi các ứng dụng liên lạc phải được thay đổi, cập nhật liên tục để phục vụ người dùng một cách tốt nhất.
Với lợi thế là nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt, Zalo cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của mình khi liên tiếp nâng cấp những tính năng an toàn, bảo mật, mà cụ thể là việc ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối E2EE vào tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, ứng dụng này còn cho phép người dùng gửi tệp tin chất lượng cao, dung lượng lớn lên tới 1GB thông qua phiên bản Zalo PC và Zalo Web. Ứng dụng cũng bảo đảm chất lượng liên lạc thông suốt, ổn định dù tập người dùng ngày càng mở rộng. Có thể nói, đây là một trong những ưu thế của Zalo giúp ứng dụng này giữ vững vị thế ngôi đầu của mình trong nhiều năm.
Trước đó, vào năm 2021, Báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” do Adsota phát hành cũng cho biết, Zalo hiện là ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam.
Ứng dụng này cũng 2 năm liên tiếp (2021 và 2022) lọt Top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên Apple Store. Bảng xếp hạng này do nhóm biên tập của App Store toàn cầu lựa chọn dựa trên tiêu chí lượt tải, chất lượng, công nghệ, thiết kế, tác động tích cực đến văn hóa, cộng đồng.
Báo cáo “The Connected Consumer” do MMA Việt Nam (Hiệp hội Mobile Marketing) và Decision Lab công bố là một nghiên cứu hàng quý, được thực hiện bắt đầu từ năm 2019. Nghiên cứu này tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, giải trí (âm nhạc, phim ảnh, video,…), cũng như mua sắm trực tuyến.
Theo Nhandan
Ý kiến ()