YouTube, Facebook đã tuân thủ tốt hơn yêu cầu của chính quyền Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài rất nan giải khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp.
Mạng xã hội giờ đây không phải là ảo mà là thật, đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều người sử dụng môi trường mạng để chống phá đất nước, kêu gọi, kích động người dân biểu tình, bạo loạn, thông tin sai sự thật, vu khống, lừa đảo, đánh bạc nghìn tỷ… gây hậu quả rất nghiêm trọng tới chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, đạo đức xã hội.
Nhận định trên được đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Ông chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông về kết quả nổi bật, ấn tượng nhất trong xử lý vấn đề và các giải pháp đột phá giải quyết cơ bản tình trạng trên.
Cho rằng đây là câu hỏi rất rộng, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, “muốn quản lý được, đầu tiên phải nhìn thấy.”
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng, giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng báo chí, điện tử, mạng xã hội.
Một ngày, trung tâm xử lý được khoảng 100 triệu tin, có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ tích cực và tiêu cực.
“Trước đây, có những lúc trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên 30%, mà cái gì trên 30% được coi là cái chính. Bây giờ, khi chúng ta nhìn thấy và tác động điều chỉnh, cơ bản hiện nay tiêu cực nằm dưới 10%,” ông nói.
Bộ trưởng cho biết câu chuyện thứ 2 cũng rất nan giải là đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp.
Trong một năm vừa qua, Bộ đã rất tích cực trong đấu tranh với các mạng này. Đối với Facebook, trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu, họ chỉ thực hiện được khoảng 30%, đến nay, tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền Việt Nam là từ 70-75%. YouTube tuân thủ tốt hơn, khoảng 60%, nay là khoảng 80-85%. Apple trước đây gần như không thực hiện, gần đây tỷ lệ thực hiện đã đạt 75%.
Trước câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, “Bộ trưởng nguyên là lãnh đạo một nhà mạng lớn, có nhiều kinh nghiệm. Vậy Bộ trưởng có chấm dứt được tình trạng sim rác hay không? Khi nào Việt Nam có các trang mạng uy tín, chất lượng thay thế các trang mạng xã hội khác?,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vấn đề sim rác là câu chuyện lớn, đã nhiều năm.
Một năm qua, chúng ta đã cơ bản cắt bỏ đi những sim không đủ thông tin, tuy nhiên hiện vẫn còn lượng sim rất lớn đang nằm trên các kênh bán hàng.
Từ nay đến tháng 9/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung giải quyết các lượng sim rác trên kênh bằng cách các nhà mạng phải mua lại.
“Có một giải pháp mới cho câu chuyện sim rác, tức giao trách nhiệm trực tiếp đến các tổng giám đốc công ty Viễn thông, trong đó có yêu cầu mà tôi nghĩ sẽ tác động rất mạnh đến nhà mạng là nếu như còn tồn tại sim rác ở trên các nhà mạng, nhà mạng đó sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới, ví dụ như dịch vụ mobile money,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, khi nói đến hệ sinh thái số Việt Nam, chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi “không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh.”
“Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng các mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài để không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam,” ông cho hay.
Theo thống kê, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng 30%.
Với tốc độ tăng trưởng đó, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay, có khá nhiều cơ hội để người Việt Nam, các công ty công nghệ Việt Nam phát triển các mạng xã hội trong nước./.
Ý kiến ()