Yếu tố quan trọng hiện đại hóa giáo dục
![]() |
Các học viên Trung tâm GDTX Cao Lộc trong giờ học công nghệ thông tin |
KHI TRƯỜNG CÓ WEBSITE
Từ năm 2012 đến ngày 4/5/2015, sau 3 năm đi vào hoạt động, website của Trường THCS Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) đã có 63.066 lượt người truy cập, đối tượng chính là những học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và những người quan tâm đến hoạt động của nhà trường. Chị Hoàng Thị Nhuận, trú tại phường Tam Thanh- phụ huynh học sinh của trường cho biết: thường xuyên vào trang web này, vừa là biết tình hình hoạt động của trường, vừa là xem các thông báo liên quan đến học sinh và phụ huynh. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Vũ Hữu Sự, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: vượt qua nhiều khó khăn về trình độ và phương tiện kỹ thuật, năm 2012, nhà trường là đơn vị đầu tiên của ngành GD&ĐT thành phố cho ra đời trang web này. Đến nay, với chức năng là phương tiện chuyển tải thông tin, trang web đã giúp nhà trường nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, trong toàn ngành đã có trên 50% trường mầm non, tiểu học, trên 60% trường THCS và 100% trường THPT và trung tâm GDTX có website. Riêng thành phố đã có 100% trường học có website hoạt động ổn định.
CHẶNG ĐƯỜNG CÔNG NGHỆ
Gần 10 năm qua, với sự giúp đỡ của Công ty viễn thông Quân đội (Vietetel), công nghệ thông tin của ngành GD&ĐT đã có sự phát triển mạnh mẽ. Bằng sự nỗ lực cao, đến năm 2009, toàn ngành đã hoàn thành kết nối thêm 293 trường, đưa tổng số trường được kết nối Internet lên trên 95%, đảm bảo chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời giữa Bộ GD&ĐT với Sở, giữa Sở GD&ĐT với các phòng, các đơn vị trường học qua hệ thống Email. Trong học kỳ I vừa qua, thực hiện chương trình “kết nối Internet trường học”, phối hợp với VNPT trang bị miễn phí 85 phòng máy với 191 máy truy cập Internet miễn phí cho các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với việc hoàn thành đề án như thành lập Trang thông tin điện tử ngành GD&ĐT, xây dựng phòng họp trực tuyến, văn phòng điện tử, ngành đã đưa 4 phòng họp trực tuyến cụm trường là THPT Văn Lãng, Bình Gia, Chi Lăng và Lộc Bình vào hoạt động. Thầy giáo Giang Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Gia cho biết: với máy móc, cơ sở hạ tầng thông tin đã có và được Sở GD&ĐT trang bị thêm, phòng họp trực tuyến khu vực hoạt động tốt, giảm bớt chi phí đi lại mà còn là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giáo dục của các huyện phía tây của tỉnh. Đây là những đề án rất hữu ích cho công tác thông tin tuyên truyền, công tác quản lý hành chính và nhất là việc giảm thiểu thời gian đi lại của các đơn vị trường, tiết kiệm chi phí công tác phí, chi phí quản lý hành chính của ngành.
ĐỔI MỚI DẠY VÀ HỌC
Cùng với giải pháp kỹ thuật là tăng cường trang bị thiết bị, máy móc, nâng cao khả năng đường truyền, chỉ đạo việc xây dựng quy chế hoạt động, quản lý phòng truy cập Internet, ngành đã đẩy mạnh giải pháp về nhân lực để có thể khai thác tối đa công dụng của phương tiện CNTT. Trong những năm qua, ngành đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn CNTT cho đội ngũ quản lý và giáo viên, nhân viên. Đến nay, toàn ngành đã có trên 97% giáo viên có kiến thức tin học trình độ A, trong đó trên 25% có kiến thức trình độ B. Trong hoạt động dạy học, khuyến khích giáo viên soạn bài trên máy vi tính, bài giảng trình chiếu, ứng dụng phần mềm thí nghiệm ảo và các phần mềm hỗ trợ xây dựng. Thành lập thư viện bài giảng điện tử. Việc ứng dụng phần mềm quản lý ngân hàng đề iQB đã được triển khai tại 21/23 trường THPT với 16.327 câu hỏi; 4/11 phòng GD&ĐT với 2138 câu hỏi; 6/12 trung tâm GDTX với 4921 câu hỏi. Nhiều đơn vị đã ứng dụng tốt các phần mềm quản lý trường học, thời khóa biểu, quản lý điểm của học sinh, tạo điều kiện cho việc xếp loại, báo cáo, thống kê, lưu trữ và trích xuất thông tin. Một số trung tâm GDTX không chỉ khai thác mạng về ngành nghề, việc làm, liên kết đào tạo, mà còn tổ chức biên soạn các đĩa CD tập hợp tư liệu giảng dạy, soạn đề kiểm tra bằng phần mềm Editor tạo ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ở 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Đồng chí Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: sự tăng cường về số lượng và chất lượng hạ tầng CNTT đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành GD&ĐT.

Ý kiến ()