Yếu tố mới chất lượng mới
Giờ đọc sách trong thư viện của học sinh Trường Phổ thông DTBT xã Thiện Long (Bình Gia) |
MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI
Năm học 2011-2012, Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện chuyển đổi 2 trường đầu tiên sang loại hình phổ thông DTBT là THCS Tân Hòa và Vĩnh Yên. Sau 1 năm hoạt động, loại hình đã tỏ rõ tính ưu việt trong việc nâng cao tỷ lệ học sinh tới tường, hạn chế tình trạng bỏ học. Đến năm học 2012-2013 và năm học 2013-2014 đã chuyển đổi tiếp 30 trường, đưa tổng số trường phổ thông DTBT toàn huyện lên 32 trường, gồm 18 trường tiểu học và 14 trường THCS với tổng số 4.199 học sinh.
Việc chuyển đổi sang mô hình DTBT mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng đòi hỏi phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng trong việc phục vụ ăn ở, nuôi dạy. Với quan điểm, phát triển GD&ĐT, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực là một trong những kênh chủ yếu để thoát nghèo, Bình Gia đã huy động từ nhiều nguồn để bổ sung cơ sở vật chất cho loại hình này. Tính đến cuối năm 2014, toàn huyện đã đầu tư thêm 26 phòng học, 13 phòng hiệu bộ, 1 nhà đa năng, 2 phòng thư viện, 2 phòng y tế, 21 phòng nội trú và nhiều công trình phụ trợ như nhà ăn, nhà vệ sinh, nước sạch cho các nhà trường. Riêng trong 2 năm 2012 và 2013, UBND huyện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị với kinh phí lên tới 6 tỷ đồng cho các trường bán trú.
KẾT QUẢ ĐẦU TƯ
Em Hoàng Thị Chín, thôn Nà Lù, xã Thiện Long tâm sự: với điều kiện nhà xa trường gần 10 km, nếu không có loại hình bán trú này chắc em sẽ chỉ học hết cấp tiểu học rồi lại bỏ vì nhà xa, không có điều kiện theo học. Em Bàn Văn Hòa, thôn Mạy Đảy, xã Hòa Bình cũng nói rằng: được học ở trường bán trú, em và các bạn không những được học văn hóa mà còn tham gia nhiều hoạt động bổ ích với thầy cô và bạn bè.
Bà Nguyễn Kim Thoa, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: sau khi chuyển đổi, chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt. Nếu những năm trước đây, tỷ lệ bỏ học ở các xã ĐBKK Bình Gia luôn ở mức từ 2,5-4%, thì trong 3 năm gần đây, duy trì sĩ số luôn ổn định là 99,83%. Nhờ có bán trú nên các nhà trường đã áp dụng hình thức học 2 buổi/ ngày và có thêm các hoạt động bổ trợ như giáo dục ý thức sống, kỹ năng sống cho học sinh. Vì vậy, chất lượng giáo dục đã được nâng lên. Học kỳ I năm học 2014-2015, tỷ lệ hoàn thành môn Toán và Tiếng Việt của cấp tiểu học đã ở mức trên 97% (cao hơn 7% so với năm học 2010-2011); cấp THCS đã có tỷ lệ 5,7% học lực giỏi, 33,4% khá và không còn học lực kém.
Ông Lê Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình gia cho biết: từ nay đến cuối năm, Bình Gia sẽ xúc tiến chuyển đổi và thành lập thêm các trường tiểu học và THCS xã Hồng Phong và Minh Khai, đưa loại hình phổ thông DTBT phủ khắp 17 xã đặc biệt khó khăn của huyện, tạo điều kiện tốt hơn trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ý kiến ()