Thứ 6, 22/11/2024 20:44 [(GMT +7)]
Yêu nghề bao nhiêu, càng yêu trò bấy nhiêu
Thứ 4, 16/11/2011 | 09:06:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tự hào biết bao khi hàng trăm, hàng ngàn cô giáo, thầy giáo toàn tỉnh đã và đang tận tụy ngày đêm với sự nghiệp “trồng người”, vượt lên mọi gian nan trong đời sống thường nhật kể cả những cám dỗ vật chất trong thời kinh tế thị trường để không làm hoen ố danh hiệu vẻ vang là người giáo viên nhân dân.
Hướng dẫn học sinh kỹ thuật may ở trường nghề Việt Đức – Ảnh: Hoài An |
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao sự cống hiến lớn lao đó; đồng thời cũng gửi gắm những mong muốn chính đáng vào mỗi cô giáo, thầy giáo trong công cuộc phấn đấu bền bỉ nhằm đưa giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu. Trọng trách lớn lao đó được Đảng và nhân dân coi đội ngũ giáo viên là những chiến sĩ xung kích, thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Họ đã góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, có tri thức, có sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, có tinh thần quốc tế chân chính.
Người thầy giáo tốt là “thầy giáo phải thật sự yêu nghề của mình”; càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu học trò bấy nhiêu. Người thầy có yêu nghề thì mới phấn đấu trở thành người thầy mẫu mực, làm tấm gương tiêu biểu cho con người mới; mới đem trí tuệ, tâm huyết, sức lực cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”; mới ra sức đào tạo, giáo dục các thế hệ trẻ thành những người có ích cho gia đình, xã hội, góp sức vào xây dựng nền kinh tế, văn hóa và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân và nhân loại.
Mục tiêu cao nhất của giáo dục đào tạo là rèn luyện các thế hệ học sinh, nguồn lực con người phát triển toàn diện. Phương pháp giáo dục là gắn học với hành, thực tiễn gắn với lý thuyết, lý luận và phù hợp với sự phát triển xã hội, do đó ở từng cấp học, người thầy giáo phải có phương pháp dạy học phù hợp với chương trình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra những nội dung cơ bản về giáo dục ở từng cấp bậc học, từ mẫu giáo đến đại học để các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ với công việc của mình.
Đầu tiên “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được như thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy phải bền bỉ chịu khó mới dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này càng lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt…”.
Sau đó với các cháu nhỏ “Tiểu học cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý gìn giữ sức khỏe của các cháu…”.
Đối với các cháu lớn hơn như “Trung học đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần mà không cần thiết cho cuộc sống thực tế…”.
Còn các cháu đã vào “Đại học thì phảỉ kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho cuộc sống, xây dưng nước nhà…”.
Những lời dạy của Hồ Chủ tịch có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là để xây dựng đội ngũ giáo viên và phương pháp dạy học.
Nhiêm vụ cao cả đặt ra cho mỗi cô giáo, thầy giáo yêu cầu phấn đấu tự thân rất cao, sự gương mẫu trong lời nói và hành động; ý thức tự học, tư nghiên cứu nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, không ngừng đổi mới nội dung dạy và học, bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao. Khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” phải trở thành điều tâm niệm trong ý thức và tình cảm của từng thầy, cô giáo. Phải trở thành động lực tinh thần lớn lao thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” có bước phát triển mới.
Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi đổi mới, phát triển giáo dục để tri thức hóa toàn dân, đào tạo nhân lực, nhân tài chuẩn bị chuyển về chất cho lực lượng lao động từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, sáng tạo, nâng cao năng lực làm chủ của con người với tự nhiên, xã hội và bản thân. Chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển thì yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực càng cao. Do đó phải chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và tăng cường về chất lượng, tiến kịp trình độ của khu vực và từng bước đạt tới tầm quốc tế. Để khi nền kinh tế phát triển mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra: lao động có trình độ và làm việc bằng kỹ thuật, trí tuệ, khi ta mở rộng cửa thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu hơn. Đội ngũ thầy giáo, cô giáo phải là những người có thực học, yêu nghề, có phương pháp dạy học tiên tiến mới có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động có trình độ và làm việc bằng kỹ thuật, trí tuệ. Thực tiễn xây dựng đất nước và hội nhập, phát triển kinh tế tri thức hiện nay đặt ra cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nhiều vấn đề cần phải đổi mới một cách cơ bản.
Theo đó, những người làm nghề giáo, nhất là từ bậc trung học phổ thông trở lên cần nâng cao tinh thần sáng tạo. Tự học, tự đào tạo để bồi bổ, nâng cao trình độ sư phạm, kiến thức và thông qua việc dạy học, truyền thụ cho học sinh ý thức vươn lên, tinh thần tự học, lòng khát khao tri tức mà rèn luyện, trưởng thành. Nghĩa là người thầy làm được vai trò gợi mở cho học sinh tinh thần sáng tạo, khám phá những cái mới trên nền tảng kiến thức phong phú của nhân loại. Cải tổ hệ thống giáo dục đào tạo cũng đòi hỏi việc cải tổ chính sách nhân sự để những người tài xuất hiện ở các cấp lãnh đạo trong hệ thống giáo dục, vì chỉ có người tài năng cấp trên mới biết sử dụng người tài năng cấp dưới. Và chỉ những thầy cô tài năng mới biết phát hiện và phát triển học trò tài năng trong lĩnh vực của mình.
Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”; học sinh ta nuôi dưỡng ý thức “Uống nước nhớ nguồn”. Những lời dạy bảo ân tình; những cử chỉ chăm sóc hết lòng của cô giáo, thầy giáo dành cho học sinh, những bài học về tình yêu quê hương, đất nước… đã và đang theo suốt cuộc đời của lớp lớp học sinh sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Những tình cảm đó đã trở thành bệ phóng cho học sinh vững bước vào đời, tạo điều kiện để các em cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước.
Các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn xã hội trân trọng những việc làm cao đẹp đầy tính nhân văn ấy, đã và đang thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình bằng những hành động thiết thực, góp sức làm đẹp mái trường, tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh; đã góp phần động viên, tôn vinh những cô giáo, thầy giáo, những cán bộ quản lý giáo dục, hết lòng vì các thế hệ quyết định tương lai của đất nước.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()