Yêu cầu rà soát quy trình tổ chức lễ hội Làm Chay
Cục Văn hóa cơ sở – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An rà soát quy trình tổ chức lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống.
Lễ hội Làm Chay – Ảnh Internet |
Ghi nhận những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn tỉnh Long An, theo Cục Văn hóa cơ sở, một số hiện tượng mặt trái trong lễ hội trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường chấn chỉnh, điển hình như các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc gây mất trật tự, vi phạm các quy định thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội Làm Chay.
Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tham mưu cho UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số giải pháp, trong đó chú trọng rà soát về quy trình tổ chức lễ hội Làm Chay, đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống.
Mặt khác, yêu cầu địa phương xây dựng phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội, đề ra các giải pháp kịp thời xử lý tình huống phát sinh; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức các hoạt động lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Được biết, Lễ hội Làm Chay diễn ra vào ngày 14-16 tháng Giêng Âm lịch, tại đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội là dịp để người dân cúng bái người chết, diệt trừ quỷ yêu, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Song song với đó là cơ hội để nhân dân biết ơn đến các vị anh hùng, nghĩa sĩ có công với dân tộc.
Lễ hội Làm Chay được tổ chức khá long trọng, thu hút quảng đại tầng lớp nhân dân, các giới, các thành phần xã hội và các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như đạo Phật, Cao Đài… với khoảng hơn 10.000 người tại địa phương và các nơi khác đến. Đỉnh điểm của lễ hội là vào ngày 16 với nhiều phần thi thú vị như bắt vịt, đập heo đất, thi múa lân… Hai phần thu hút người dân nhất là màn đi thỉnh kinh, diệt yêu quái của thầy trò Đường Tăng và xô giàn giật các mâm bánh cúng với sự tham gia của hàng chục ngàn người.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()