Yêu cầu ngày càng cao với công tác đối ngoại, công tác đảng ngoài nước
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi gặp mặt truyền thống “60 năm – Một chặng đường vẻ vang công tác đảng ngoài nước”, được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang khẩn trương quán triệt và tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 31/3/1961, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết 16, trong đó quyết định thành lập ở mỗi nước một đảng bộ và thành lập cơ quan chỉ đạo, quản lý các đảng bộ ngoài nước lấy tên là Ban Cán sự đảng ngoài nước. Kể từ đó, ngày 31/3 trở thành Ngày truyền thống công tác đảng ngoài nước.
Nghị quyết 16 đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác đảng ngoài nước đối với cách mạng Việt Nam, được đúc kết qua những năm tháng đấu tranh trước đó, đồng thời thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với công tác đảng ngoài nước cho những thời kỳ sau này.
Ôn lại quá trình hình thành và phát triển của công tác đảng ngoài nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương và ghi nhận những thành tích, đóng góp rất quan trọng của các thế hệ cán bộ, đảng viên làm công tác đảng ngoài nước cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong những năm qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 thập kỷ qua, công tác đảng ngoài nước đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng ở nước ngoài thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ từ xa; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ đảng viên ở ngoài nước; đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, cơ cấu tổ chức, bộ máy chỉ đạo, theo dõi công tác đảng ngoài nước luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, cũng như để đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, tháng 11/2019, Bộ Chính trị đã có Quyết định 209 về hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tối đa lợi thế của công tác đối ngoại và công tác đảng ngoài nước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại cũng như xây dựng và phát triển Đảng trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với Quyết định 209, Đảng bộ Bộ Ngoại giao trở thành đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất trong số các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối.
Qua hơn một năm thực hiện Quyết định 209 của Bộ Chính trị, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả quan trọng, trong đó cơ cấu tổ chức làm công tác đảng ngoài nước nhanh chóng được kiện toàn, việc quản lý đảng viên ở nước ngoài không bị gián đoạn, bảo đảm thông suốt; chất lượng, hiệu quả được nâng cao.
Theo Phó Thủ tướng, Đại hội Đảng XIII đã xác định cần “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, yêu cầu đối với công tác đối ngoại và công tác đảng ngoài nước sẽ ngày càng cao hơn, vì vậy công tác đảng ngoài nước cần có sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện thời gian tới.
Theo đó, cần thống nhất nhận thức làm tốt công tác đảng ngoài nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Ngoại giao, phải được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác và có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Phó Thủ tướng yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề liên quan đến xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng; kiến nghị giải pháp cải tiến công tác đảng, nâng cao hiệu quả quản lý đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, sinh sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Rà soát toàn diện các cơ chế, quy trình trong công tác đảng ngoài nước, sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong quản lý, đánh giá đảng viên ở nước ngoài…, để từng bước chuẩn hóa; kiến nghị xây dựng các cơ chế, quy trình mới phù hợp, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đảng ngoài nước, cả ở trong nước cũng như tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; xác định mỗi cán bộ làm công tác đảng ngoài nước cũng đồng thời là cán bộ đối ngoại, do đó, cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại.
Ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực tham mưu, công tác đảng ngoài nước cần chú trọng thỏa đáng đến công tác xây dựng và phát triển đảng. Mỗi cơ quan đại diện nói chung và cán bộ làm công tác đảng ngoài nước nói riêng cần chủ động, tích cực tìm kiếm, phát hiện những quần chúng ưu tú ở nước ngoài để có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn, kết nạp vào Đảng, từ đó góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của toàn ngành ngoại giao, công tác đảng ngoài nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đổi mới toàn diện cả về tư duy, nội dung và cách thức hoạt động, trên cơ sở nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đóng góp xứng đáng vào các thành tích chung của ngành ngoại giao.
Ý kiến ()