Yêu cầu các điểm thi tăng cường kiểm soát thiết bị công nghệ
Giám thị cùng thí sinh kiểm tra niêm phong túi đựng phiếu trắc nghiệm trước buổi thi môn Toán tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (TP Hà Nội).
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 cho biết, cả nước có tổng số 868.378 thí sinh dự thi bài thi Ngữ văn (đạt tỷ lệ 99,60%); 878.393 thí sinh dự thi Toán (đạt tỷ lệ 99,53%). Thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành phố trong ngày thi đầu khá thuận lợi, giao thông bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số thí sinh đến muộn sau khi tính giờ làm bài cho nên không được dự thi môn Ngữ văn.
Trong ngày thi đầu, các đoàn công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đã kiểm tra thực tế tại một số địa phương như: Hưng Yên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Ninh Bình…
Tại tỉnh Ðác Lắc, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 Phùng Xuân Nhạ đã kiểm tra thực tế tại một số điểm thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ thi của tỉnh Ðác Lắc. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu giám thị, thanh tra thi không được chủ quan, lơ là. Nếu điểm thi có giám thị xảy ra vi phạm, lãnh đạo điểm thi và cả giám thị phải chịu hình thức kỷ luật. Vì vậy, sau mỗi buổi thi, giám thị coi thi, thanh tra thi phải kiểm tra kỹ các thiết bị công nghệ, niêm phong phòng thi, không để người khác tự tiện ra vào; bảo quản bài thi của thí sinh thận trọng, an toàn. Hội đồng thi phải lựa chọn các thầy giáo, cô giáo có kinh nghiệm, năng lực chấm thi để có kết quả khách quan, chính xác và công bằng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, năm nay, những bài thi điểm cao, hội đồng thi phải chấm kiểm tra. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chấm kiểm tra kết quả chênh lệch lớn so với kết quả chấm thi ban đầu thì Chủ tịch Hội đồng thi và Giám đốc Sở GD và ÐT địa phương đó phải chịu trách nhiệm…
Theo Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT) Mai Văn Trinh, qua kiểm tra tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, việc thực hiện các quy trình bảo vệ đề thi, bốc thăm vị trí khi phân công nhiệm vụ, giao, nhận đề và phát đề đều tuân thủ đúng quy trình. Tuy nhiên, cán bộ coi thi cần thường xuyên quan sát, kiểm tra những thí sinh có biểu hiện bất thường khi làm bài để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ cao. Trong các ngày thi còn lại, thí sinh sẽ dự các bài thi, môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài nhanh, nhiều mã đề thi, đòi hỏi công tác quản lý, kiểm soát đề thi, bài thi, giấy nháp phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt, đúng quy trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm quy chế thi.
Kết thúc ngày thi đầu, mặc dù đã được phổ biến kỹ quy chế thi, tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thí sinh vi phạm, bị đình chỉ. Cả nước có 34 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó một thí sinh bị khiển trách, ba thí sinh bị cảnh cáo và 30 thí sinh bị đình chỉ thi; đình chỉ công tác coi thi đối với hai cán bộ. Trong đó, tỉnh Nam Ðịnh có ba thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi; tỉnh Hà Nam và Hòa Bình cùng có một thí sinh bị đình chỉ thi; tỉnh Phú Thọ một thí sinh bị đình chỉ thi… Các thí sinh bị đình chỉ thi phần lớn do mang, sử dụng điện thoại di động tại phòng thi. Một số địa phương có nhiều thí sinh vắng mặt như: Thừa Thiên – Huế vắng 117 thí sinh, Bình Dương vắng 107 thí sinh, Cà Mau vắng 95, Cần Thơ vắng 85, Hòa Bình vắng 77, Quảng Bình vắng 53, Sóc Trăng vắng 47, Hà Giang vắng 43, Ðiện Biên vắng 24 thí sinh…
Trong thời gian dự thi, một số thí sinh không may bị đau ốm, tai nạn giao thông, gặp khó khăn khi di chuyển đến điểm thi đã được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Trong buổi thi Ngữ văn (điểm thi ở huyện Ðầm Dơi, Cà Mau), do quá căng thẳng, một thí sinh bị ngất xỉu. Lực lượng y tế túc trực tại hiện trường đã kịp thời chăm sóc, giúp thí sinh ổn định, dự thi an toàn. Tại điểm thi huyện Thới Bình (Cà Mau), sau khi kết thúc môn thi đầu, trên đường về nhà, một thí sinh không may bị tai nạn giao thông nhưng may mắn vẫn có thể tiếp tục dự thi. Kỳ thi năm nay, hàng trăm thí sinh Trường THPT Ðặng Thai Mai (xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An) phải đi đò Phuống qua sông Lam dự thi với khoảng cách xa. Vì vậy, Ðội Cảnh sát giao thông huyện Thanh Chương phối hợp Ðoàn Thanh niên, Công an huyện Thanh Chương cùng Công an xã và Ðoàn xã Thanh Giang tổ chức đưa, đón thí sinh khi qua đò không thu phí.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố cũng có một số hoạt động tiếp sức mùa thi. Tỉnh Yên Bái triển khai 75 đội thanh niên tình nguyện với gần 600 tình nguyện viên, hỗ trợ 879 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn như: phát nước, trông xe miễn phí; hỗ trợ ăn sáng, tìm phòng trọ; tổ chức đưa, đón miễn phí thí sinh và phụ huynh. Huyện đoàn Mù Cang Chải (Yên Bái) tổ chức nấu cơm phát miễn phí hai bữa sáng, trưa cho các thí sinh trong ba ngày thi. Trong khi đó, các huyện đoàn, thành đoàn của tỉnh Hà Giang đã bố trí ở mỗi điểm thi một đội tình nguyện từ 10 đến 20 đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ thí sinh; vận động các nhà hàng, nhà hảo tâm hỗ trợ cơm miễn phí, giá rẻ cho thí sinh. Ðể tiếp sức cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, Huyện đoàn Tuần Giáo và Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ (Ðiện Biên) hỗ trợ thí sinh các điều kiện về ăn, uống miễn phí trong các ngày thi. Ðồng hành cùng các thí sinh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh huy động 35 đội thanh niên tình nguyện với gần 1.500 đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, tiếp sức thí sinh. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã vận động phụ huynh, cựu học sinh, doanh nghiệp hỗ trợ cơm trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong suốt quá trình ôn tập và kinh phí đi thi cho mỗi em có hoàn cảnh khó khăn từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng; Sở GD và ÐT Vĩnh Long vận động các nhà hảo tâm cung cấp 2.400 suất cơm trưa cho học sinh dự thi tại huyện Tam Bình và Trà Ôn…
Kết thúc buổi thi Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: Ðề thi có cấu trúc tương đương đề tham khảo; bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của thí sinh. Trong khi đó, với đề thi Toán được nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đi vào bản chất, tránh việc yêu cầu thí sinh tính toán quá nhiều, phù hợp hình thức thi trắc nghiệm.
Hôm nay (26-6), buổi sáng, thí sinh làm bài thi Khoa học tự nhiên theo hình thức trắc nghiệm (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học), thời gian làm bài mỗi môn thi thành phần là 50 phút; buổi chiều thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút.
Chung quanh việc lọt đề thi bài thi môn Ngữ văn tại tỉnh Phú Thọ, chiều 25-6, PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho biết: Tại điểm thi Trường THPT Thanh Sơn, một thí sinh tự do mang điện thoại di động và chụp đề thi đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, đề thi được đưa lên sau hai phần ba thời gian làm bài cho nên không ảnh hưởng đến kỳ thi. Do để xảy ra vi phạm, ngoài việc đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm; hai cán bộ coi thi (một người thuộc trường đại học, một người thuộc trường phổ thông) cũng bị đình chỉ công tác thi. Sự việc đang được cơ quan công an tiếp tục xác minh, làm rõ. Những người liên quan sẽ bị xử lý nghiêm. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đề nghị ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố yêu cầu các điểm thi cẩn thận, nghiêm túc, trách nhiệm, tăng cường kiểm soát không để thí sinh mang điện thoại di động và một số thiết bị không được phép mang vào phòng thi. |
Ý kiến ()