Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông
Là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng |
Chiều 10/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình hình hiện nay trên khu vực Biển Đông.
Trước thông tin một số tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông.
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
*Về thông tin Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới, lớn hơn giàn khoan Hải Dương 981, và chuẩn bị đưa ra khu vực Nam đảo Hải Nam, ở khu vực mỏ Lăng Thủy, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, hiện chưa có thông tin cụ thể về việc này.
“Tuy nhiên, cần nhắc lại lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam: Các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982, cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
*Về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Tổng Tham mưu trưởng quân đội Philippines hồi đầu tuần đã đến đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này.
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()