Yêu cầu Bộ Y tế báo cáo việc thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với Bộ Y tế liên quan tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về vấn đề kết nối cơ sở cung ứng thuốc.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, hoàn thiện Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện chỉ thị số 23/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, trong đó làm rõ hiện trạng việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc hiện nay; việc thực hiện đồng bộ giữa kết nối các cơ sở cung ứng thuốc với kê đơn thuốc điện tử để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
Đồng thời, Bộ Y tế phải nêu rõ căn cứ về thẩm quyền, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương liên quan về các kiến nghị, đề xuất của Bộ theo đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2023.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tới thời điểm hiện nay, trên Hệ thống thông tin Quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế mới ghi nhận hơn 78 triệu đơn thuốc điện tử được liên thông. Trong đó, số đơn đã bán thuốc được báo cáo từ cơ sở bán thuốc gửi về Hệ thống còn rất thấp, chỉ vài trăm nghìn đơn. Các đơn được kê đa số đến từ hơn 15 nghìn cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, chủ yếu là khối công lập (1300 bệnh viện, hơn 12 nghìn trạm y tế xã phường), khối khám chữa bệnh tư nhân với hơn 30 nghìn cơ sở gần như chưa liên thông đơn thuốc điện tử.
Đặc biệt, khối cơ sở bán lẻ thuốc cũng có rất ít cơ sở bán thuốc theo mã đơn (quy định tại thông tư 04/2022/TT-BYT) và gửi báo cáo đơn thuốc đã bán về hệ thống, nhằm tránh việc tái bán đơn thuốc đã bán hoặc bán thuốc không đơn đối với các loại thuốc phải bán theo đơn.
Một số bệnh viện tuyến trung ương chưa liên thông đơn thuốc theo quy định như: Bệnh viện E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… Hiện, có 26/39 bệnh viện tuyến trung ương liên thông đơn thuốc.
Được biết, nguyên tắc xây dựng và vận hành của Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn có 2 mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đơn thuốc được kê đảm bảo tính minh bạch, chính xác, tránh đơn giả và đảm bảo nhà quản lý có công cụ giám sát việc hành nghề kê đơn của mỗi bác sĩ. Trên từng đơn thuốc của mỗi ngày, cơ quan quản lý luôn truy xuất được thông tin chi tiết cơ sơ sở khám chữa bệnh là cơ sở nào, có ai đăng ký làm việc, phạm vi hoạt động, giấy phép hoạt động… đồng thời, nhà quản lý cũng xem được thông tin chi tiết của từng bác sỹ kê đơn, tài liệu chứng chỉ hành nghề, cơ sở hoạt động… Từ đó đảm bảo đơn thuốc phát sinh ra từ cơ sở là đúng, đủ, chính xác, đúng thẩm quyền hành nghề cũng như có công cụ tra cứu truy vết các hình thức kê đơn không phù hợp.
Thứ hai, hệ thống chia sẻ đơn thuốc (thông qua mã đơn thuốc mà người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc và tiếp nhận báo cáo về số lượng thuốc đã bán trên mỗi lần ở mỗi cơ sở bán lẻ nhằm đảm bảo bán thuốc phải kê đơn theo đơn. Đơn thuốc đã bán hết, đơn thuốc quá hạn (5 ngày từ khi kê đơn) sẽ được hệ thống cảnh báo cho dược sỹ để tránh việc tái bán trên đơn đã bán hoặc đã hết hạn.
Một số nguyên nhân các cơ sở triển khai chậm trễ việc liên thông đơn thuốc điện tử được chỉ ra, đó là người kê đơn “ngại minh bạch hoá” việc kê đơn, một số địa phương, đơn vị thiếu sự quyết liệt chuyển đổi số từ lãnh đạo của đơn vị…
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hiện có khoảng 45% thuốc phải kê đơn, trên tổng đầu số hơn 24 nghìn thuốc được cấp phép đang kinh doanh trên thị trường.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao và mua thuốc không đơn rất cao (trong khối cơ sở bán thuốc tư nhân có tới hơn 80% giao dịch mua thuốc là không đơn).
Cơ sở bán thuốc chưa nắm được hướng dẫn kê đơn thuốc điện tử
Trao đổi với phóng viên, Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, trong một năm qua, Hội đã hỗ trợ hướng dẫn cho 38 Sở Y tế trên toàn quốc về kê đơn thuốc điện tử theo quy định đối với các cơ sở y tế tư nhân.
Điều đáng nói, các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân cho rằng, việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử không khó nhưng do họ chưa nắm được quy định cũng như hướng dẫn triển khai thực hiện, đồng thời do chưa ai xử phạt nên họ chưa triển khai…
Trước đây, năm 2018-2019, Bộ Y tế đã triển khai rất tốt việc mỗi cơ sở bán lẻ thuốc phải có phần mềm đáp ứng liên thông, nếu không thực hiện, cơ sở sẽ không đủ tiêu chuẩn kinh doanh và bị thu hồi giấy phép. Vì vậy, hơn 68 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc đã có phần mềm liên thông.
Theo Bộ Y tế, việc liên thông đơn thuốc điện tử rất đơn giản, không cần phải đầu tư thêm phần mềm mới. Việc kê đơn thuốc điện tử được liên thông đầy đủ sẽ giúp quản lý bán thuốc theo đơn và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thuận lợi trong việc thống kê về mặt bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của các bác sỹ.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, nếu áp dụng thì người bệnh phải có đơn thuốc mới có thể mua được thuốc phải kê đơn, tránh việc mượn đơn thuốc hoặc sử dụng đơn cũ mua lại hay mua thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn, gây hậu quả kháng kháng sinh.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/yeu-cau-bo-y-te-bao-cao-viec-thuc-hien-lien-thong-don-thuoc-dien-tu-102231114160659748.htm
Ý kiến ()