Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Nhạc sĩ Trịnh Tiến sáng tác nhạc tại phòng làm việc của mình |
Sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” mà nom nhạc sĩ Trịnh Tiến trẻ hơn dễ đến cả chục tuổi. Tự nhận mình là người khó tính, nhưng tôi lại thấy ông rất dễ gần với nụ cười thường trực trên môi.
Tôi nghe đi nghe lại tác phẩm “Lạng Sơn nhớ Bác Hồ” (ca khúc đạt giải B năm 2014 – sáng tác về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh) rồi thắc mắc với nhạc sĩ: nhạc sĩ cũng có mặt trong lúc Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân Lạng Sơn chứ? Ông cười xòa: khi ấy tôi mới 12 tuổi, tôi không có mặt ở đấy đâu, lời bài hát là do tôi suy tưởng mà ra.
Trịnh Tiến kể: “Tôi cứ nhắm mắt lại, tưởng tượng khi Bác đến thăm, Xứ Lạng mình từ phố phường đến làng quê, đâu đâu cũng bừng lên rộn ràng trong nắng xuân; rồi tiếng nói của Người ấm áp thế nào, dặn dò dân mình ra sao… cứ thế rồi thành ca từ thôi”.
Trên chất nhạc dân ca Xứ Lạng, tác phẩm “Lạng Sơn nhớ Bác Hồ” như làm sống lại không khí, tình cảm của nhân dân Xứ Lạng khi Bác đến thăm (2/1960). Cái tài của nhạc sĩ Trịnh Tiến là đưa cả những dặn dò của Bác như làm thủy lợi, làm thủy nông, trồng thêm rừng… vào bài hát, làm cho người nghe dễ dàng hình dung ra hình ảnh của Bác, lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất gần gũi, bình dị với nhân dân.
Nhạc sĩ Trịnh Tiến bắt đầu sáng tác nhạc vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông đã bước qua tuổi 40. Bắt đầu sáng tác muộn thì cũng chẳng có gì lạ, điều lạ là ông không phải là nhạc sĩ từng được đào tạo qua các trường lớp chuyên nghiệp.
Đam mê nhạc, nhưng ông từng là sinh viên trường Bách khoa. Rồi cùng với những bạn bè đồng trang lứa, ông để lại ước mơ còn dang dở, lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Sau này, những công việc mà ông từng làm cũng chả liên quan gì tới nhạc!
Ông tâm sự: Tôi mãi tâm niệm điều Bác dạy: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. ViệtNamcó rất nhiều câu hát dân ca hay cần phải khai thác và phát triển”. Có lẽ cũng vì thế mà các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Tiến thường dùng chất liệu dân ca Xứ Lạng với các ca khúc ca ngợi con người, mảnh đất, sự đổi mới trên quê hương Xứ Lạng như: Miền quê yêu dấu; Đình Lập quê hương đổi mới; Nhớ về Tràng Định…
Từ khi cầm bút sáng tác đến nay, nhạc sĩ Trịnh Tiến đã có “lưng vốn” với hơn 50 ca khúc. Ông Hoàng Quang Độ, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: Nhạc sĩ Trịnh Tiến là hội viên rất tích cực, sức sáng tác rất khỏe ở nhiều thể loại và luôn tạo được dấu ấn riêng, có sự biến tấu, phát triển nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc của dân ca Xứ Lạng. Như ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông Kỳ Cùng” của Trịnh Tiến đã được ghi nhận, đạt giải của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (1998).
Viết về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngoài tác phẩm “Lạng Sơn nhớ Bác Hồ”, ông còn 2 tác phẩm đạt giải là “Chúng con mãi nhớ ơn Người” và “Vinh Quang thế hệ trẻ Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: các tác phẩm của Trịnh Tiến không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn có giá trị về tuyên truyền với sức lan tỏa mạnh mẽ.
Vẫn nụ cười thường trực, nhạc sĩ Trịnh Tiến chia sẻ: còn sức thì còn viết, tôi mong muốn những bài hát của mình góp phần cổ vũ, động viên người dân Xứ Lạng luôn vượt qua khó khăn, vươn lên phía trước; mong muốn mỗi bài hát viết về Bác có sức lan tỏa rộng lớn hơn để mỗi người dân càng thêm kính yêu Bác và ra sức học tập, làm theo tấm gương của Người. Như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.
Ý kiến ()