Yên Vượng: Triển vọng phát triển kinh tế từ giống na “khổng lồ”
– Những năm gần đây, nhiều người dân tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng đã đưa giống cây na Thái Lan, có quả to rất to, từ 0,5 đến 1 kg/quả về trồng tại địa phương. Qua đó, đạt thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế.
Từ những năm 2015, một số hộ thành viên của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, sản xuất nông lâm nghiệp, cây ăn quả xã Yên Vượng đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây na Thái Lan. Sau một thời gian, loại cây này đã cho giá trị kinh tế cao. Ông Hoàng Trung Nguyên, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX chúng tôi có khoảng 49 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 5 ha là na Thái Lan trong độ tuổi thu hoạch, sản lượng trung bình đạt khoảng 10 tấn mỗi năm. So với na dai của địa phương, na Thái Lan có giá trên thị trường luôn dao động từ 100.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, sản phẩm thường không đủ để bán. Do vậy, HTX đang dự kiến mở rộng diện tích trồng na Thái Lan để có thể cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Người dân xã Yên Vượng chăm sóc cây na Thái Lan
Anh Quách Dương Duy, thôn Chục Quan, xã Yên Vượng cũng là một trong những hộ tiên phong trong phát triển cây na Thái Lan. Từ những năm 2014 – 2015, gia đình anh đã tận dụng diện tích đất gần 1.000 m2 của gia đình để trồng thử nghiệm hơn 80 cây na Thái Lan. Đến nay, vườn na của gia đình đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 1,6 tấn mỗi năm, thu nhập đạt trên 120 triệu đồng/năm. Nói về kinh nghiệm trồng loại cây này, anh Duy chia sẻ: Cây na Thái Lan là loại cây dễ trồng nhưng không dễ chăm sóc. Để cây phát triển tốt, cần phải rất chú trọng giữ độ ẩm cho cây cũng như bón phân, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều quan trọng nhất để cây có thể đậu quả là cần có kinh nghiệm trong khâu thụ phấn. Cụ thể, thời điểm thích hợp nhất để thụ phấn nhân tạo là khi cây bắt đầu bói 1 – 2 quả. Nếu tiến hành thụ phấn quá sớm hoặc quá muộn, cây sẽ không thể đậu quả.
Tìm hiểu từ một số người dân đã trồng cây na Thái Lan, được biết, giống cây này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Yên Vượng. Ưu điểm của loại na này so với na địa phương là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Tuy nhiên, do yêu cầu cao về độ ẩm, nếu trồng trên khu vực núi đá thì chỉ có thể cho sản lượng tốt vào vụ đầu năm, thời điểm mùa mưa. Nếu vào mùa khô, cây sẽ khó đậu quả, hoặc quả kém phát triển. Về mật độ trồng, do cây na Thái Lan phát triển nhanh, đồng thời tán cây rộng hơn nhiều so với cây na ta nên cần đảm bảo các cây cách nhau tối thiểu 5 mét.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Yên Vượng, hiện nay, toàn xã có khoảng 50 hộ trồng cây na Thái Lan với tổng diện tích 14 ha. Mặc dù diện tích chưa nhiều nhưng giá trị kinh tế từ cây na Thái Lan so với các loại cây ăn quả khác lại cao đột biến. Tính trung bình, mỗi cây na ở độ tuổi thu hoạch ổn định (trên 6 năm) có thể cho thu hoạch 15 đến 20 kg, trọng lượng quả đạt từ 0,5 đến 1 kg/quả, thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cây. Trên cùng một diện tích trồng, na Thái Lan cho giá trị cao gấp 3 đến 4 lần so với cây na dai ta. Năm 2020, tổng thu nhập từ cây na Thái Lan trên địa bàn xã đạt khoảng 2 tỷ đồng(chỉ tính những cây 6 năm tuổi). Để đảm bảo chất lượng và tính an toàn cho sản phẩm, hiện nay, gần như toàn bộ các hộ trồng na Thái Lan tại xã Yên Vượng đều chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Ông Lý Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Yên Vượng cho biết: Cây na Thái Lan được một số hộ trồng tại địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Do đó, trong thời gian tới, cùng với phát triển cây na dai truyền thống, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn quan tâm, hỗ trợ bà con mở rộng quy mô trồng. Đồng thời, tuyên truyền đến bà con sử dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá về sản phẩm na Thái Lan để ngày càng nhiều khách hàng biết đến.
Có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế từ cây na Thái Lan đem lại cho người dân tại xã Yên Vượng là rất rõ rệt. Tuy nhiên, do đây là giống cây ăn quả chưa phổ biến nên chủ yếu người dân vẫn trồng theo hướng tự phát. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần chú trọng các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đến người nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng của cây na Thái Lan.
Ý kiến ()