Yên Trạch phát huy thế mạnh cây sở
(LSO) – Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển cây sở, thời gian qua, xã Yên Trạch (huyện Cao Lộc) đã phát huy lợi thế, phát triển cây sở. Đến nay, toàn xã có khoảng 600 ha cây sở, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Vụ sở năm 2019 cho gia đình ông Lương Thạnh Văn, thôn Pò Cháu, xã Yên Trạch thu gần 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính, giúp gia đình ông Văn không chỉ giảm nghèo mà từng bước làm giàu từ cây sở. Ông Văn cho biết: Cây sở của gia đình được cha ông trồng từ hàng chục năm về trước. Với khoảng 3 ha cây sở, có năm được mùa, được giá cho thu trên 100 triệu đồng, năm nào mất mùa, giá thấp cũng được từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Để phát huy giá trị cây sở, từ 2018 đến nay, gia đình tôi tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích. Đồng thời, tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sở do xã tổ chức.
Lãnh đạo xã Yên Trạch giới thiệu cho du khách về giá trị, vẻ đẹp cây sở
Pò Cháu là một trong những thôn trồng cây sở nhiều nhất xã, với diện tích trên 80 ha. Toàn thôn có 75 hộ, số hộ trồng sở chiếm trên 90%. Theo ông Lương Văn Lượng, trưởng thôn Pò Cháu, thu nhập chính của nhiều hộ trong thôn là từ cây sở, hộ ít cũng thu từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/năm, hộ nhiều đạt trên 100 triệu đồng/năm. Do cây sở được trồng từ lâu, nhiều diện tích trồng từ những năm 1970 nên già cỗi. Vì vậy, để phát triển cây sở, thôn tuyên truyền người dân đẩy mạnh chăm sóc, phục tráng cây sở. Cùng với đó, mở rộng thêm diện tích trồng mới. Năm 2019, toàn thôn trồng mới được gần 4 ha cây sở; tập trung chăm sóc và cải tạo diện tích cây sở trồng lâu năm.
Tại thôn Nà Háo, sở là cây cho thu nhập chính của người dân trong thôn. Hiện toàn thôn có khoảng 150 ha cây sở đã cho thu hoạch. Ông Ngô Văn Thực, trưởng thôn cho biết: Trước đây, người dân trong thôn trồng sở nhưng không quan tâm nhiều đến việc chăm sóc, một số diện tích trồng không đúng khoảng cách. Vì vậy, để nâng cao giá trị cây sở, từ năm 2018 đến nay, thôn tuyên truyền, vận động nhân dân phục tráng diện tích cây trồng lâu năm già cỗi; tỉa thưa diện tích trồng mật độ dày và tạo tán cho cây. Từ cây sở, có hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, đặc biệt đến tháng 12/2019, thôn không còn hộ nghèo.
Theo người dân trong xã, sở là cây dễ trồng, ít sâu bệnh (chủ yếu sâu róm gây hại lá – dễ phòng trừ), ít phải đầu tư chăm sóc, bón phân, chỉ phải chăm sóc khi cây còn nhỏ chưa khép tán. Sau 5 năm trồng, cây bắt đầu cho quả, mỗi năm thu hoạch một lứa quả vào khoảng tháng 11 dương lịch hằng năm. Sau khi người dân thu hoạch quả, bóc vỏ và bán hạt, trung bình hạt sở bán từ 20 đến 22 nghìn đồng/kg. Hạt sở được tiêu thụ dễ dàng (các tiểu thương trực tiếp đến thu mua tại các thôn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc).
Hiện nay, toàn xã Yên Trạch có khoảng 600 ha cây sở, trung bình 5 năm trở lại đây cho thu khoảng 8 tỷ đồng/năm. Để phát triển cây sở, cho giá trị kinh tế cao, từ năm 2018, xã xác định sở là cây chủ lực. Vì vậy, xã tập trung các nguồn lực cho phát triển cây sở. Trong đó, chú trọng mở rộng diện tích trồng mới và phục tráng diện tích cây đã trồng lâu năm; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, các sở, ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sở cho người dân,…. Năm 2019, xã triển khai thực hiện dự án trồng mới, chăm sóc và cải tạo cây sở trên địa bàn với tổng số 58 hộ tham gia; tổng diện tích là 56,8 ha (trong đó, trồng mới là 32,2 ha; chăm sóc, cải tạo là 24,6 ha).
Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây sở được xã xác định là cây chủ lực cho giá trị kinh tế. Vì vậy, để phát triển, nâng cao giá trị cây sở, xã tập trung thực hiện các giải pháp. Đặc biệt, hiện nay, xã phối hợp với một doanh nghiệp để nghiên cứu giống cây sở cho năng suất cao. Cùng với đó, tuyên truyền nhân dân chặt bỏ những cây tạp xen kẽ cây sở để tập trung phát triển cây sở. Cây sở ngoài cho giá trị từ quả, hoa sở đẹp, cánh hoa màu trắng, nhụy hoa vàng và hoa sở nở kéo dài từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng 2 dương lịch năm sau. Mùa hoa nở, các rừng sở nở trắng đẹp lung linh trải dài uốn lượn. Vì vậy, xã đang hướng tới phát triển du lịch từ các rừng sở.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()