Yên Thế (Bắc Giang): Nâng cao giá trị sản xuất các vùng chuyên canh chè
Nhờ bám sát thị trường, coi trọng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, nhất là việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân cải tạo, trồng mới chè nên những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ việc phát triển các vùng chuyên canh chè ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã được cải thiện rõ rệt.
Thu hoạch búp chè tươi ở xã Đồng Vương, Yên Thế
Vừa cùng chúng tôi đi tham quan đồi chè đang vào vụ thu hoạch của gia đình, chị Phan Thị Liễu ở bản Trại Hạ, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế phấn khởi cho biết: “Chè vốn là cây trồng truyền thống ở Đồng Tiến song trước đây, vì nhiều nguyên nhân nên năng suất cây chè của gia đình tôi không cao. Gần đây, sự quan tâm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất bền vững của cán bộ khuyến nông đã giúp gia đình tôi tăng thu nhập. Năm ngoái, với hơn 2 ha chè, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu từ tiền bán chè. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất chè”.
Theo thống kê, đến giữa tháng 6/2016, với gần 500 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi của huyện Yên Thế đã đạt khoảng trên 2,3 nghìn tấn, tăng gần 500 tấn so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng chè búp tươi chủ yếu tập trung tại các xã vùng cao nằm trong vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh chè nguyên liệu như: Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Đồng Vương, Tam Tiến… So với các năm trước, vụ chè năm nay có giá thu mua cao hơn hẳn. Với mức giá bình quân 15 nghìn đồng/kg, ước tính giá trị kinh tế từ cây chè mang lại cho người sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2016 vào khoảng trên 30 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Xuân Dương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế, do những năm gần đây búp chè tươi được giá, thị trường ổn định và được hỗ trợ từ các nguồn tín dụng ưu đãi nên nhìn chung, bà con nông dân khá yên tâm sản xuất.
Là một xã dẫn đầu trong phát triển vùng chuyên canh chè ở huyện Yên Thế, ít ai biết cây chè đã gắn bó với người dân Xuân Lương từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng khi đó hiệu quả kinh tế thu được không cao. Với quyết tâm phát triển cây chè theo hướng bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng “thương hiệu”chè Xuân Lương. Đến nay, toàn xã đã có gần 250 ha đất trồng chè với các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, cho thu hoạch hàng trăm tấn chè thành phẩm mỗi năm. Theo tính toán, nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGap thì giống chè mới có thể cho năng suất cao gấp 3 – 3,5 lần các giống chè truyền thống. Năng suất cao, chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng ưu chuộng, cây chè đã giúp cuộc sống của người dân Xuân Lương được cải thiện đáng kể; trong đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ phát triển cây chè theo hướng chuyên canh chất lượng cao.
Ông Ninh Quảng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Xuân Lương cho biết: Ở Xuân Lương bây giờ không chỉ có vùng chuyên canh chè mà còn có cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè; các công ty kinh doanh, xuất khẩu chè… Nhờ cây chè mà xã đã vươn lên trở thành địa phương có tốc độ phát triển cao trong huyện.
Thực tế từ năm 2010 đến nay, với Chương trình nâng cao chất lượng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2010 – 2015, huyện Yên Thế đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất đối với người trồng chè. Theo đó, huyện đã hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách huyện 10 triệu đồng/ha trồng mới và 5 triệu đồng/ha cải tạo. Việc phối hợp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm búp chè tươi. Nhờ đó, chỉ tính riêng từ năm 2010 đến hết năm 2015, toàn huyện đã trồng mới được trên 130 ha chè các loại như: PH1, LDP2, LDP1…, qua đó nâng tổng diện tích chè lên tới gần 500 ha. Tổng sản lượng chè búp tươi năm 2015 đạt 3.600 tấn. Dự kiến, năm 2016, tổng sản lượng sẽ đạt trên 4.000 tấn chè.
Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn mà trực tiếp là ngành nông nghiệp đã thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh ở cây chè kết hợp với mở rộng diện tích cải tạo, trồng mới, qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế từ sản xuất chè. Năng suất bình quân của cây chè đã tăng từ 6,5 – 7 tấn/ha/năm (năm 2010) lên 9 tấn/ha/năm (năm 2015).
Theo đồng chí Lưu Xuân Vượng, Bí thư Huyện ủy Yên Thế, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung thực hiện quy hoạch vùng chè Yên Thế với mục tiêu phát triển cây chè thành một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh gắn với các vùng chuyên canh năng suất cao, chất lượng tốt. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng diện tích chuyên canh gắn với việc đẩy mạnh sử dụng giống chè mới và áp dụng VietGap để nâng cao năng suất, chất lượng chè thương phẩm.
Bám sát đặc điểm sản xuất của nông dân trên địa bàn, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với đa dạng cơ cấu các giống chè và bảo đảm tốt đầu ra cho sản phẩm, hiệu quả sản xuất tại các vùng chuyên canh cây chè đã góp phần quan trọng trong tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở huyện vùng cao Yên Thế.
Tin tưởng, trong tương lai không xa, thương hiệu chè sạch Yên Thế sẽ khởi sắc, vừa là cây xóa đói giảm nghèo, vừa là loại cây trồng hàng hóa mang lại thu nhập cao cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()