Yên tâm “chung sống” cùng trạm BTS
Vị trí thu phát thông tin di động trong khu vực đô thị (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà mạng: Viễn thông (VNPT) Lạng Sơn, Chi nhánh Viễn thông Quân đội Viettel, Mobifone, Vietnammobile với hơn 1.300 trạm BTS phục vụ hơn 710.000 thuê bao di động; 100% xã, phường, thị trấn có sóng di động 2G, 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G.
Sự đột phá về hạ tầng viễn thông đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Tuy nhiên, kéo theo đó là sự băn khoăn của người dân về ảnh hưởng của trạm BTS. Anh Hoàng Hải, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn bày tỏ: Khu vực tôi sinh sống có cột BTS. Chẳng biết sóng điện từ ảnh hưởng tới sức khỏe như mọi người vẫn nói hay không song tôi vẫn không khỏi lo lắng.
Nhằm giải đáp những lo ngại của người dân về sự liên quan giữa trạm BTS và sức khỏe con người, ngày 20/1/2017 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có Công văn số 212 về phổ biến thông tin liên quan đến việc quản lý phát triển các trạm BTS ở Việt Nam. Theo tài liệu đính kèm công văn, qua tổng hợp các kết quả nghiên cứu, đánh giá cũng như các khuyến nghị liên quan đến ảnh hưởng của các trạm BTS tới sức khỏe con người trong báo cáo của các tổ chức độc lập, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận là chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm BTS có thể gây hại cho con người.
Còn ở góc độ quản lý chuyên ngành thì từ năm 2006, Bộ Bưu chính – Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đã nghiên cứu, triển khai hoạt động quản lý an toàn đối với các trạm BTS. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ TT&TT đã thực hiện quản lý chặt chẽ, nghiêm túc về an toàn bức xạ điện từ.
Trên thực tế hiện nay, việc phát triển, khai thác các trạm BTS được quản lý rất nghiêm ngặt. Ông Nông Phương Đông, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết: Các trạm BTS trên địa bàn khi xây dựng đều phải tuân thủ theo Quy chuẩn QCVN 08:2010 của Bộ TT&TT. Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế; quy định các giới hạn bắt buộc phải áp dụng đối với các thiết bị sinh ra trường điện từ (trong đó có trạm BTS) để đảm bảo an toàn đối với cơ thể con người khi sinh sống và làm việc trong trường tần số vô tuyến điện. Trước khi đi vào hoạt động, theo quy định, các trạm BTS trong phạm vi bán kính 100 m có người dân sinh sống, làm việc bắt buộc phải được kiểm định sự phơi nhiễm trường điện từ có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người hay không.
Là một trong những nhà mạng lớn trên địa bàn, đến thời điểm này, VNPT Lạng Sơn có 290 vị trí thu phát thông tin di động. Ông Phạm Đức Vinh, Phó Giám đốc VNPT Lạng Sơn cho biết: Đơn vị luôn tuân thủ đầy đủ quy định của nhà nước về việc xây lắp, đo kiểm trạm BTS. Cụ thể là tuân thủ quy hoạch vị trí thu phát sóng do Sở TT&TT phê duyệt; xin cấp phép xây dựng tại UBND thành phố và các huyện; trước khi đưa vào hoạt động, thiết bị đều được Cục Viễn thông – Bộ TT&TT kiểm định. Ngoài ra, trước khi xây dựng, VNPT Lạng Sơn đều thông báo cho người dân xung quanh khu vực đặt trạm.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn, với các cơ sở khoa học từ WHO, tiêu chuẩn quốc tế/tiêu chuẩn Việt Nam và các biện pháp quản lý chuyên ngành, có thể khẳng định các trạm BTS đảm bảo an toàn bức xạ điện từ trường theo quy định. Để người dân yên tâm và ủng hộ việc phát triển hạ tầng viễn thông, sở đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị, các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan đến quản lý trạm BTS; đặc biệt là tuyên truyền cơ sở khoa học chứng minh trạm BTS đảm bảo an toàn bức xạ điện từ. Cùng với đó là tăng cường quản lý việc phát triển, khai thác các trạm BTS trên địa bàn…
Ý kiến ()