Yên Lỗ: Mong lắm những cây cầu
– Yên Lỗ là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Bình Gia. Từ bao đời nay, hơn 200 hộ dân thuộc 4 thôn trên địa bàn xã bị chia cắt với trung tâm bởi sông Bắc Giang. Để thuận tiện cho việc đi lại hằng ngày, người dân đã dựng cầu tạm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho các hộ dân nơi đây.
Gần 11 giờ trưa, người dân thôn Khuổi Cọ lại tất bật chở con em vừa tan trường di chuyển trên cây “cầu” được ghép bằng những cây tre, cây mai để về nhà. Khi người và xe qua lại, cây cầu đung đưa, tròng trành, cả người và xe tưởng như có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Anh Nông Văn Lạng, người dân trong thôn chia sẻ: Gia đình tôi hiện có con lớn học lớp 8 và con nhỏ 5 tuổi đang học lớp mẫu giáo nên phải đưa đón thường xuyên. Có những hôm, trời mưa to, mực nước dâng cao, chảy xiết, tôi phải cho cháu nhỏ nghỉ học còn cháu lớn hơn thì đi bè qua sông, dù biết nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác. Có nhiều lần, trẻ em đi học qua đây do sơ sẩy bị rơi xuống dòng nước may mà cứu được. Chúng tôi rất mong có một cây cầu chắc chắn, kiên cố để yên tâm đi lại lao động sản xuất.
Người dân xã Yên Lỗ di chuyển khó khăn trên cây cầu dựng tạm bằng tre bắc qua sông Bắc Giang
Không chỉ gia đình anh Lạng, những năm qua, để đến trung tâm xã, đến trường, hơn 200 hộ dân với trên 800 nhân khẩu thuộc 4 thôn (Khuổi Cọ, Khuổi Chặng, Khuổi Mè, Bản Mè) bắt buộc phải đi trên hai cây cầu tạm bắc qua con sông Bắc Giang (người dân thường gọi là sông Bản Mè). Hai cây cầu này được bắc tạm bằng cây tre, cây mai, mỗi cây cầu có chiều dài khoảng 20 m, rộng gần 80 cm. Dù là tạm bợ và nguy hiểm, hằng ngày chiếc cầu vẫn phải oằn mình chịu sức nặng của người và phương tiện lưu thông. Còn người dân thì vẫn phải đánh đu với “tử thần” vì đây là con đường duy nhất để người lớn đi làm, trẻ con đi học. Vào mùa mưa lũ, mực nước dâng cao, cầu tạm ngập, người dân phải sử dụng bè để di chuyển qua sông.
Bên cạnh đó, giao thông chia cắt không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Nông sản của bà con làm ra muốn đem ra chợ bán chỉ có thể chở bằng xe máy, xe đạp qua cầu hoặc đi bằng bè mảng. Ông Lưu Văn Dũng, Trưởng thôn Bản Mè cho biết: “Người dân trong thôn chủ yếu làm ruộng, trồng rừng và chăn nuôi. Không có cầu kiên cố đã ảnh hưởng rất nhiều đến đi lại và sản xuất của bà con. Người dân trồng được cây hồi, cây thạch hay nuôi được con gà, con trâu đem bán cũng bị tư thương ép giá. Đến nay, thôn có 79 hộ thì còn đến 50% là hộ nghèo”.
Trước mong mỏi của người dân, chính quyền xã Yên Lỗ đã nhiều lần kiến nghị cấp trên đầu tư kinh phí xây cầu. Ông Lâm Văn Mốt, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lỗ cho biết: Việc Nhân dân trong xã tự làm cầu nổi diễn ra nhiều năm nay, tuy biết là không đảm bảo an toàn, nhưng do chưa có kinh phí xây cầu, nên cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các đoàn thể, trưởng thôn tuyên truyền người dân di chuyển an toàn khi qua sông, nhất là trong mùa mưa bão.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Sau khi tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân trên địa bàn xã Yên Lỗ, năm 2021, UBND huyện đã tiến hành khảo sát địa điểm xây cầu tại địa bàn. Qua khảo sát, dự kiến tổng mức đầu tư công trình khoảng 35 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối vốn đầu tư của huyện. Trước thực trạng trên, UBND huyện đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 cầu dân sinh trên địa bàn xã. Sau khi tiếp nhận thông tin, kiến nghị từ huyện, Sở GTVT đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền sớm phân bổ nguồn vốn xây dựng cầu.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, cắm biển cảnh báo và cọc thủy chí để cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi lưu thông qua sông.
Hy vọng rằng việc xây dựng cây cầu kiên cố ở xã Yên Lỗ sẽ sớm được các cấp có thẩm quyền quan tâm, triển khai thực hiện để Nhân dân trên địa bàn 4 thôn thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
MAI LINH
Ý kiến ()