LSO-Từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa phận hơn 1.800 ha rừng thuộc trách nhiệm quản lý của xã Yên Khoái huyện Lộc Bình. Nhưng mùa hanh khô đang đến, với địa hình rộng, hiểm trở, lực lượng cứu hộ mỏng, phương tiện thiếu thốn, việc “phòng cháy” ở đây rất khó nếu người dân cố tình vi phạm và chưa có gì bảo đảm xảy ra cháy sẽ “chống” được. Tuy nhiên, năm 2010 sắp qua, Yên Khoái đang nỗ lực, tìm mọi giải pháp có thể quyết tâm không để rừng cháy.Ông Hoàng Văn Na, Phó Chủ tịch UBND - Trưởng ban Phòng chống cháy rừng xã Yên Khoái cho biết: Từ đầu năm đến nay tuy chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn do xã quản lý, nhưng không vì thế mà chủ quan, vì trên thực tế, từ năm 2005 đến 2009 đã có nhiều vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy qua mấy năm đó theo thống kê là trên 200ha.Đốt rừng do “tranh chấp” với Lâm trường (?!), theo ông Na, đó là thực tế từng xảy ra tại xã nhà,...
LSO-Từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa phận hơn 1.800 ha rừng thuộc trách nhiệm quản lý của xã Yên Khoái huyện Lộc Bình. Nhưng mùa hanh khô đang đến, với địa hình rộng, hiểm trở, lực lượng cứu hộ mỏng, phương tiện thiếu thốn, việc “phòng cháy” ở đây rất khó nếu người dân cố tình vi phạm và chưa có gì bảo đảm xảy ra cháy sẽ “chống” được. Tuy nhiên, năm 2010 sắp qua, Yên Khoái đang nỗ lực, tìm mọi giải pháp có thể quyết tâm không để rừng cháy.
Ông Hoàng Văn Na, Phó Chủ tịch UBND – Trưởng ban Phòng chống cháy rừng xã Yên Khoái cho biết: Từ đầu năm đến nay tuy chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn do xã quản lý, nhưng không vì thế mà chủ quan, vì trên thực tế, từ năm 2005 đến 2009 đã có nhiều vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy qua mấy năm đó theo thống kê là trên 200ha.
Đốt rừng do “tranh chấp” với Lâm trường (?!), theo ông Na, đó là thực tế từng xảy ra tại xã nhà, rất may, nhờ chủ động và lường trước vấn đề nghiêm trọng nên lực lượng dân quân, nhân dân… đã kịp thời dập lửa và khống chế không để đám cháy lan ra diện rộng. Phó Chủ tịch xã Yên Khoái giải thích: chính sách giao đất, giao rừng cho nhân dân xã đã có từ năm 1995 và UBND huyện Lộc Bình, Kiểm lâm đã giao sổ sách ghi rõ diện tích rừng của từng hộ. Nhưng mấy năm trước Lâm trường Lộc Bình lại nói có khoảng hơn 200ha rừng thông trên địa bàn xã lại thuộc quyền quản lý của Lâm trường, sự tranh chấp cứ “nhùng nhằng”. Đây là bài toán khó đối với Ban Phòng chống cháy rừng của xã Yên Khoái, lãnh đạo chính quyền xã không đủ thẩm quyền để giải quyết sự tranh chấp này, lãnh đạo xã ngoài việc kiến nghị lên UBND huyện thì chỉ còn cách xuống từng thôn tuyên truyền, vận động bà con không nên “nóng” quá mà “mất khôn” thôi.
Đó là một nguyên nhân, còn nguyên nhân khác mà mấy năm trước rừng ở Yên Khoái hay xảy ra cháy. Như đã nêu ở trên, tổng diện tích rừng toàn xã là trên 1.800ha, chủ yếu là thông – đây là loại cây có nguy cơ cháy cao nhất so với các loại cây khác. Qua tâm sự với lãnh đạo xã, được biết, hơn bao giờ hết, giải pháp phòng chống cháy rừng ở Yên Khoái phải được tuyên truyền đi sâu vào nhận thức đối với từng người dân. Từ lâu việc giao đất, giao rừng đã được khoán diện tích một cách cụ thể, chính vậy, từ nhiều năm qua đã không xảy ra mâu thuẫn giữa các hộ có rừng. Chính sách này của Nhà nước là giải pháp hữu hiệu nhằm gắn trách nhiệm của người dân đối với diện tích rừng đã được giao, có thế người dân mới chăm sóc và bảo vệ rừng một cách hiệu quả, lâu dài. Song song với việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của nhân dân, Ban Phòng chống cháy rừng xã đã kịp thời khen thưởng động viên những cá nhân, tập thể làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, còn có hình thức xử phạt, kỷ luật những đối tượng có hành vi phá hoại rừng, không chấp hành tốt công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Ông Hoàng Văn Na khẳng định: Rừng ở Yên Khoái nói riêng và toàn huyện Lộc Bình nói chung có một đặc thù riêng biệt là rừng thông – đây là cây họ dầu được khoanh nuôi, bảo vệ nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là điều dễ xảy ra. Vì vậy, trong những năm qua xã đã tích cực tuyên truyền đồng thời có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy rừng xảy ra. Hiện nay, xã đã kiện toàn hệ thống ban phòng chống cháy rừng từ xã xuống các thôn. Hơn nữa, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng luôn được quan tâm, phát huy kịp thời. Ngoài ra, thường xuyên tiến hành vệ sinh, đốt dọn thảm bì thực vật dễ gây cháy vào đầu mùa khô hạn, chủ động đốt trước lớp thảm bì thực vật kết hợp với việc phát quang, tạo ra những đường băng trắng giữa các khu rừng với nhau được coi là giải pháp nhằm chặt đứt khâu trung gian dẫn đến nguy cơ cháy rừng.
Rừng thông Yên Khoái chưa an toàn, mặc dù từ đầu năm chưa xảy ra cháy – đó là điều không thể phủ nhận. Thực tế cho thấy, việc phòng, chống cháy rừng không thể chỉ trông chờ vào một lực lượng cụ thể nào đó, nhất là đối với cấp xã. Trong khi sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân chưa tạo được sự an toàn cho hàng nghìn ha rừng nơi đây. Do vậy, điều quan trọng nhất để giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến cháy rừng là: cần gắn trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ rừng cho lãnh đạo xã, đồng thời tăng cường đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “phòng là chính” và “mỗi người dân là một tuyên truyền viên, người bảo vệ rừng”.
Mùa nắng nóng khô hạn hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng bằng các giải pháp trước mắt và lâu dài ở Yên Khoái đang được thực hiện là điều đáng được ghi nhận. Coi trọng bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm với từng địa phương, người dân cùng với các tổ chức chính trị nhằm tuyên truyền ý thức tới từng người dân là điều hết sức cần thiết hiện nay ở tỉnh ta.
Trí Dũng
Ý kiến ()