Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Sản xuất gạch chất lượng cao ở Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Yên Bái có 1.181 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần và DN tư nhân chiếm tới 1.145 DN. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, các DN ở tỉnh miền núi Yên Bái càng khó khăn hơn, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan hữu quan đang tìm mọi biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN vượt qua thời điểm này.Khó khăn nhiều bềTrong chín tháng đầu năm các DN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào như điện, than, xăng, dầu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng; lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao và tiếp cận vốn vay hạn chế dẫn đến khó khăn về tài chính, sản xuất cầm chừng, trong đó nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất. Theo báo cáo chưa đầy đủ số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 87 DN, 30 DN khác...
Sản xuất gạch chất lượng cao ở Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái. |
Khó khăn nhiều bề
Trong chín tháng đầu năm các DN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào như điện, than, xăng, dầu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng; lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao và tiếp cận vốn vay hạn chế dẫn đến khó khăn về tài chính, sản xuất cầm chừng, trong đó nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất. Theo báo cáo chưa đầy đủ số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 87 DN, 30 DN khác “không hoạt động tại trụ sở”… còn lại 1.028 DN vẫn còn đăng ký nhưng hoạt động cầm chừng, nhiều DN phải giãn thợ hoặc đóng cửa một thời gian. Theo số liệu của cơ quan thuế thì tổng số DN còn nợ thuế đến tháng 9 khoảng 300 DN với số nợ khoảng 90 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng khó khăn của DN vì khi chúng tôi gõ cửa nhiều DN để tìm hiểu tình hình, chứng kiến nhiều cơ sở sản xuất bỏ hoang, bị từ chối cung cấp thông tin vì lý do quá khó khăn, hàng hóa không bán được, nợ ngân hàng, nợ thuế…
Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Thanh An Phạm Văn Toan cho hay, công ty của anh thành lập từ năm 2000 với 22 lao động. Mặt hàng chính là sản xuất viên gỗ nhiên liệu từ mùn cưa, một loại phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh với nguồn nguyên liệu đầu vào khá dồi dào. Hiện nay các cơ sở chế biến gỗ khu vực TP Yên Bái đều gom hàng bán, nguồn nguyên liệu đầu vào không phải lo, khách hàng nước ngoài thường xuyên đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng với quy mô sản xuất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu khách hàng đành bỏ đi. Khởi nghiệp từ một số vốn tự có ban đầu 7 tỷ đồng, đến nay công ty vay ngân hàng thêm 10 tỷ đồng, ban đầu lãi suất thấp, sau đó tăng dần từ tháng 11-2011 đến tháng 9-2012 lên tới 21%/năm, đến tháng 10 giảm xuống còn 14%/năm. Với lượng vốn 10 tỷ đồng vay đầu tư cho nhập khẩu dây chuyền sản xuất, nỗi lo thường trực của DN là trả lãi ngân hàng. Với lượng vốn đầu tư như hiện nay, quy mô sản xuất chỉ dừng lại từ 300 đến 600 tấn/tháng trong khi đó yêu cầu của khách hàng nước ngoài là 3.000 tấn/tháng cho một khách hàng. Tuy đầu ra không hạn chế nhưng vay với lãi suất cao thì DN không chịu nổi. Để đáp ứng được yêu cầu đủ số lượng xuất khẩu công ty đang tính bài mở rộng sản xuất, tăng lượng sản phẩm thông qua gọi vốn đóng góp của bạn bè, chuyển giao công nghệ để có thêm nhiều cơ sở cùng sản xuất mặt hàng này, qua đó thu gom đủ hàng theo yêu cầu.
Theo ông Toan, mặt hàng gỗ viên với nguyên liệu đầu vào là bột cưa tận thu ở các cơ sở chế biến gỗ rừng, có thể mở rộng sử dụng các loại phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để làm ra loại chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch thân thiện môi trường, khách hàng nước ngoài yêu cầu số lượng lớn xuất khẩu, có thể dùng đun nấu ở các gia đình, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đến nay, công ty đã qua giai đoạn nghiên cứu và ứng dụng sản xuất, được thị trường chấp nhận, vì vậy Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn vay đầu tư nâng cấp mở rộng nhà xưởng, mua thêm thiết bị mới. Theo tính toán, để hoàn chỉnh dây chuyền đạt sản lượng từ 30 nghìn đến 40 nghìn tấn sản phẩm một năm cần đầu tư từ 100 đến 120 tỷ đồng, nếu vay với lãi suất như hiện nay DN không chịu nổi.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Công ty TNHH Thanh Hùng lại gặp khó khăn do năm nay thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, nhiều công trình phải dừng thi công, thiếu việc làm. Giám đốc công ty Nhâm Đình Hùng cho biết: Hoạt động san lấp mặt bằng cho các công trình của công ty đã được thực hiện gần bốn năm nay nhưng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Công ty có 18 lao động, bảy phương tiện thiết bị san lấp, năm 2009 giá trị xây lắp đạt hai tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 11 tỷ đồng, đến đầu năm nay ngừng hoạt động. Là một DN nhỏ của một tỉnh miền núi với tiềm lực tài chính hạn hẹp, công ty chỉ làm thuê cho các DN trúng thầu với vai trò thầu phụ (B’). Hiện nay công ty vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng, bỏ tiền mua nhiên liệu và mọi chi phí để thi công hai gói thầu san lấp khu tái định cư đường xuyên Á giá trị gần ba tỷ đồng và gói san lấp mặt bằng xây dựng trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Yên Bái giá trị bảy tỷ đồng. Cả hai gói thầu này đã thực hiện xong nhưng việc thanh toán kéo dài, trong đó gói tái định cư mới thanh toán 800 triệu đồng trên tổng số tiền san lấp ba tỷ đồng; gói san lấp trụ sở tòa án mới được ứng trước gần hai tỷ đồng, số tiền còn nợ hơn bốn tỷ đồng. Thanh toán chậm, công ty mất cân đối tài chính dẫn tới nợ thuế năm 2009 là 100 triệu đồng, còn năm 2011- 2012 chưa nộp đồng nào; khoản nợ lương công nhân đến nay khoảng 400 triệu đồng.
Giúp doanh nghiệp trụ vững
Trước thực trạng khó khăn hiện nay, nhiều DN vẫn cố gắng bươn chải tìm đường vượt qua khó khăn để tồn tại. Trường hợp Công ty cổ phần lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái là một thí dụ điển hình. Giám đốc công ty Trần Công Bình cho biết: Trong nhiều năm hoạt động ở địa bàn miền núi để thực hiện mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, công ty đã bám địa bàn chuẩn bị tốt các điều kiện duy trì và mở rộng sản xuất. Năm 2012, trước những biến động của thị trường, chi phí đầu vào giá nguyên liệu, nhiên liệu, cước vận chuyển tăng cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm cạnh tranh gay gắt cộng với áp lực thiếu vốn đầu tư trung và dài hạn và cho khâu xử lý môi trường. Với nguồn vốn tự có gần 40 tỷ đồng, công ty tập trung duy trì và đầu tư chiều sâu cho ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực là sản xuất tinh bột sắn, giấy đế vàng mã và tinh dầu quế. Tính toán sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính là bài toán có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh doanh. Trong đó hai phần ba nguồn vốn tự có được ưu tiên đầu tư chiều sâu, tạo sản phẩm mới và giải quyết vấn đề môi trường. Phần còn lại dành cho vốn lưu động, chỉ vay ngân hàng hai thời điểm thu hoạch nguyên liệu vào quý I và quý IV hằng năm. Mặt hàng giấy đế xuất khẩu được đầu tư chiều sâu, tăng khả năng cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng. Riêng với Nhà máy chế biến tinh bột sắn được đầu tư giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Thông qua đầu tư, bã sắn thải ra trong quá trình sản xuất đã được tận thu tạo ra sản phẩm phụ dùng chế biến thức ăn gia súc. Nguồn vốn đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ giải quyết môi trường khoảng 15 tỷ đồng, nhưng doanh thu của sản phẩm phụ hằng năm tăng từ 18 tỷ đến 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40 lao động và nộp ngân sách một tỷ đồng. Ngoài ra bài toán tài chính được áp dụng trong giai đoạn khó khăn hiện nay của công ty là tranh thủ sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ thông qua giãn, hoãn thuế; đề nghị khách hàng ứng trước tiền mua sản phẩm; huy động vốn từ các cổ đông và đóng góp của cán bộ, công nhân. Với những biện pháp sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chín tháng qua công ty đạt doanh thu 181 tỷ đồng, kinh doanh có lãi, nộp ngân sách Nhà nước 7,8 tỷ đồng. Hướng tới mục tiêu ổn định vùng nguyên liệu công ty đã thực hiện phương án hỗ trợ canh tác sắn bền vững, đang triển khai Đề án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quế tại huyện Văn Chấn. Để hỗ trợ DN kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn miền núi khó khăn công ty kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ vốn vay đầu tư cho xử lý môi trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình vay vốn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình khó khăn của DN hiện nay, đồng chí Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhận xét, trong số các DN trên địa bàn có tới 90% là số DN nhỏ và vừa chủ yếu sống bằng vốn vay ngân hàng, chịu tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế. Khảo sát mới nhất cho thấy có tới hơn 45% số DN gặp khó khăn. Trong đó, khối các DN xây lắp là khó khăn nhất, nhiều DN bên bờ vực phá sản, công nhân không có việc làm, thiếu vốn trầm trọng. Giải pháp xử lý khó khăn cho các DN xây lắp là tập trung hỗ trợ DN giải ngân nhanh khi nhà thầu có khối lượng xây lắp, đủ điều kiện thanh toán. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu xây dựng sản xuất tại địa phương, đồng thời ưu tiên vốn đầu tư của ngân sách địa phương để tạo việc làm cho DN trên địa bàn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn đọng…
Bám sát diễn biến sản xuất, kinh doanh và những khó khăn của DN, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái Hoàng Văn Diểm cho biết: Cục Thuế đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp về tài chính và quản lý thuế, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh năm 2012 và các năm tiếp theo. Đề xuất giải pháp quản lý nguồn thu, điều hành thu ngân sách linh hoạt. Tiếp tục hướng dẫn người nộp thuế thực hiện gói giãn, giảm, gia hạn, miễn thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết 29 của Quốc hội. Trong năm nay hỗ trợ về thuế cho các DN gần 100 tỷ đồng, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()