Yên Bái căng mình trước lũ dữ
Mưa to dồn dập kéo dài suốt ba ngày đêm khiến nhiều nơi ở tỉnh Yên Bái ngập trong biển nước, xuất hiện nhiều đợt lũ ống, lũ quét trên diện rộng, cô lập hàng chục thôn xóm, gây hậu quả nặng nề. Tính đến trưa 21-7, toàn tỉnh có 10 người chết và tám người mất tích, 11 người nhập viện bởi đá đè, nhà sập. Gần 2.000 ha lúa và rau màu bị thiệt hại, hàng loạt cột điện, viễn thông đổ gãy, gây mất liên lạc và điện lưới trên diện rộng với tổng thiệt hại về tài sản ước tính 200 tỷ đồng… |
Thất thần bên căn nhà bị bùn cát lấp ngang nhà, chị Hà Thị Quyên, ở bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn nghẹn ngào: “Rạng sáng 20-7, lũ về nhanh lắm, chỉ một lát đã mấp mé cửa nhà. Tôi chỉ kịp gọi con trai cõng bố đang thở ô-xy vì bệnh phổi lên đồi cao sau nhà. Quay lại đã thấy căn nhà chìm trong biển nước. Sáu tấn quế vỏ; 1,5 tấn thóc và mọi thứ vật dụng như xe máy, ti-vi, tủ lạnh, quần áo…” cũng chìm theo. Cạnh suối Nậm Mười chảy qua bản Tủ còn sót lại ngôi nhà sàn của chị Sa Thị Lăng, dân tộc Thái. Phía dưới gầm sàn bùn ngập cao nửa mét, chuồng lợn, chuồng gà đều bị lũ cuốn phăng. Trước hiên nhà, ao cá rộng gần một sào bị bùn cát lấp đầy. Chồng chị Lăng là anh Hoàng Văn Pọm xót xa: “Thấy nước về nhanh, mình chỉ kịp chạy sang nhà bên đưa được ông Hà Văn Nhờ cùng vợ Hà Thị Lé lên đồi cao. Mọi tài sản khác của gia đình tôi đều mất hết rồi”. Ngoài hiên, bốn thanh niên trong bản dùng cây buộc ngang chiếc xe máy vùi sâu dưới cát, lắc mãi thì chiếc xe đầy bùn cũng lên mặt đất, có lẽ là tài sản có giá nhất mà anh Pọm còn sót lại sau lũ dữ. Xã Mường Lò, huyện Văn Chấn là nơi hội tụ của các khe suối lớn, nước dồn từ các đỉnh núi của các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải dồn xuống, kéo theo cây rừng, đá cuội, tạo các trận lũ quét khủng khiếp. May mắn, có kinh nghiệm từ mấy năm trước ứng phó thiên tai, cho nên việc di dời khẩn cấp của người dân nơi đặc biệt nguy hiểm của huyện Văn Chấn được chú trọng, nếu không số người chết còn cao hơn nhiều. Đại tá Phạm Hồng Chương, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 2, nhận được tin lũ dữ ở Văn Chấn cần ứng cứu khẩn cấp, ngay trong mưa lớn đã dẫn 200 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 đến vùng thiên tai. Tại bản Tành Hanh, xã Sơn Lương, nước lũ về khiến một hộ dân có nguy cơ bị cuốn trôi, ba chiến sĩ mặc áo phao, đem theo dây cáp dũng cảm bơi xuôi dòng lũ tiếp cận gia đình, rồi dùng ròng rọc treo từng người vượt dòng chảy rất mạnh phía dưới. Đến lượt cụ ông 80 tuổi không chịu đi, buộc đội cứu hộ phải can thiệp hỗ trợ. Kết quả, cả bảy người trong gia đình được cập bờ an toàn. Chúng tôi xuôi theo dòng Thia để tiếp cận xã An Lương, một trong ba xã của huyện Văn Chấn bị cô lập hai ngày nay do đường bị sạt lở, điện mất, cáp viễn thông và cột phát sóng di động hư hỏng. Sáng 21-7, một phụ nữ đồng bào dân tộc Dao, xã Suối Quyền bị vùi lấp đa chấn thương, được người nhà đưa võng cáng vượt núi đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ. Dọc đường, tại các đoạn suối chảy, nhiều người dân cùng công an xã căng mắt tìm kiếm để vớt những thi thể bị mất tích. Trong mưa rơi, những ánh mắt thẫn thờ, những tiếng thở dài ngao ngán, thật buồn. Cũng dòng Thia này, năm trước một đồng nghiệp của chúng tôi đã mất khi tác nghiệp trong mưa lũ. Lũ rút dần, bộ đội và dân quân được huy động vào vùng thiên tai giúp dân khôi phục, ổn định đời sống. Một bộ phận lính thông tin đeo máy trèo đèo, vượt lũ vào ba xã: Sùng Đô, Nậm Mười và An Lương đang bị cô lập để có thông tin chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Máy bay không người lái được sử dụng thám không, phân tích ảnh để tìm kiếm người mất tích tại những nơi chưa đến tìm kiếm được, nhất là các vực sâu, khe suối độ dốc cao. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy sau khi phải đi đường vòng qua tỉnh Phú Thọ xa hơn 150 km mới tiếp cận vùng rốn thiên tai (các tuyến quốc lộ 32, 37, tỉnh lộ Yên Bái đều bị mưa lũ chia cắt) đã khẩn trương thiết lập Sở chỉ huy dã chiến, phân công các thành viên ứng trực, cứu hộ, cứu nạn, khẩn trương làm tốt an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Đồng chí Đỗ Đức Duy cho biết: Trước mắt, tỉnh tập trung cao độ công tác tìm kiếm người mất tích, khẩn trương khôi phục giao thông để cán bộ, chiến sĩ tiếp cận vùng đang bị cô lập, kịp thời cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào bị thiệt hại. Kịp thời khôi phục điện lưới, viễn thông, để chỉ huy điều hành thông suốt, kiên quyết không để dân đói, dân không có chỗ ở. Chúng tôi vận dụng tốt “bốn tại chỗ”, bằng cách huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn, không ỷ lại; vận động anh em, dòng họ giúp người mất nhà cửa có nơi ở tạm. Tỉnh sẽ bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ mất nhà, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()