Ý tưởng khởi nghiệp từ quả bưởi mang tính thực tiễn cao
– Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để tạo ra những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, nhóm học sinh Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã lên ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả bưởi Chi Lăng”. Dự án này đã xuất sắc giành giải Nhì tại Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức.
Hiện nay, toàn huyện Chi Lăng có trên 470 ha cây ăn quả có múi, trong đó có trên 330 ha bưởi. Nhận thấy bưởi là loại trái cây được trồng nhiều trên địa bàn huyện, đây cũng là loại quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhóm học sinh lớp 10A1, Trường THPT Chi Lăng gồm 5 em: Vi Hoàng Ngọc Quyên; Trần Thu Phương; Nguyễn Thảo Nhi; Nguyễn Hải Dương và Nguyễn Trần Hoàn đã nghiên cứu và thực hiện dự án khởi nghiệp “Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả bưởi Chi Lăng”.
Thành viên nhóm dự án giới thiệu sản phẩm đến khách hàng
Em Vi Hoàng Ngọc Quyên, Trưởng nhóm dự án cho biết: Chúng em bắt đầu triển khai thực hiện dự án từ tháng 9/2022. Đến nay, chúng em đã nghiên cứu và cho ra thị trường một số sản phẩm như: vỏ bưởi sấy khô, vỏ bưởi sấy dẻo, siro bưởi, gel bưởi (gel ủ tóc), lá bưởi sấy khô… Tất cả các nguyên liệu mà chúng em sử dụng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng em cũng thực hiện nhiều cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của khách hàng và từng bước hoàn thiện sản phẩm trước khi chính thức đưa ra thị trường.
Để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, nhóm đã nghiên cứu, thử nghiệm và quyết định lựa chọn 2 loại bưởi là bưởi Diễn và bưởi da xanh làm nguyên liệu chính. Đây cũng là 2 loại bưởi được đánh giá ngon, ngọt, không bị he đắng, phù hợp với khẩu vị của đa số khách hàng. Theo đó, tất cả các phần của quả bưởi đều được sử dụng để sơ chế thành các sản phẩm riêng biệt. Cụ thể, đối với vỏ bưởi, nhóm tận dụng để làm vỏ bưởi sấy khô, vỏ bưởi sấy dẻo. Múi bưởi được ép lấy nước để làm siro, thạch…
Với kinh phí hỗ trợ của nhà trường, gia đình và tận dụng máy móc sẵn có tại nhà, nhóm học sinh đã cho ra mắt các sản phẩm với đầy đủ bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, để tăng độ tin cậy cho khách hàng, nhóm đã chủ động lựa chọn 2 sản phẩm là vỏ bưởi sấy khô và vỏ bưởi sấy dẻo để lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra chỉ tiêu về vi sinh vật.
Hiện nay, nhóm đã lập Fanpage trên mạng xã hội Facebook nhằm quảng bá sản phẩm và kinh doanh online. Đồng thời, nhóm cũng đã đưa các sản phẩm ra bày bán trực tiếp tại 7 cửa hàng, đại lý trên địa bàn thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng và các xã lân cận. Theo đó, các sản phẩm được đóng gói với khối lượng khác nhau từ 50 đến 500 gam và được bán với giá dao động từ 15.000 đến 60.000 đồng/sản phẩm.
Với nguyên liệu thuần tự nhiên, an toàn, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, các sản phẩm từ quả bưởi Chi Lăng của nhóm được nhiều khách hàng đón nhận và sử dụng. Tính từ tháng 10/2022 đến nay, mỗi tháng, nhóm bán được trên 400 sản phẩm thông qua các kênh bán hàng, mang về doanh thu gần 15 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về hướng phát triển dự án trong tương lai, cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh cho biết: Ý tưởng kinh doanh từ bưởi của các em rất phù hợp và có tính thực tiễn, bởi đây là loại quả truyền thống và có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện Chi Lăng. Dự án được hiện thực hóa không chỉ tạo thu nhập cho các thành viên trong nhóm mà còn giúp nông dân có hướng sản xuất mới là cung cấp nguyên liệu để chế biến sản phẩm. Thời gian tới, tôi và các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều loại sản phẩm để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 như: mứt bưởi, thạch bưởi, trà vỏ bưởi…
Với ý tưởng khởi nghiệp này, nhóm đã góp phần nâng cao giá trị quả bưởi Chi Lăng. Đồng thời, tạo ra sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()