Ý tưởng khởi nghiệp từ bã cây thạch đen
– Cây thạch đen sau khi chế biến thành sản phẩm thạch ăn liền thì phần bã thường chỉ được tận dụng làm phân bón. Sử dụng nguồn phế phẩm này để sản xuất nấm không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tổng diện tích cây thạch đen hằng năm trên địa bàn tỉnh hơn 3.000 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn. Thạch đen là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến cây thạch thành sản phẩm thạch ăn liền tạo ra lượng bã thải không nhỏ. Hiện nay, cách xử lý bã thải thạch đen là để hoai mục tự nhiên sau đó bón cho cây trồng. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng đến vài năm. Ở những cơ sở sản xuất lớn, bã thải để tồn đọng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan nông thôn và sức khỏe của người dân. Giải quyết vấn đề này, từ tháng 4 đến tháng 10/2022, anh Cù Mạnh Hảo, chuyên viên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu và triển khai dự án trồng nấm thạch trên cơ chất bã cây thạch đen góp phần tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tác giả ý tưởng khởi nghiệp từ bã cây thạch đen (thứ 4 tính từ bên phải) được Ban Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022 trao giải chuyên đề
Anh Cù Mạnh Hảo cho biết: Nấm thạch (nấm rơm) là một loại nấm thơm ngon, giàu dinh dưỡng, mọc tự nhiên dưới chất bã thải cây thạch đen, thường mọc nhiều khi vừa mưa xong và bắt đầu nắng lên. Nấm thạch có giá bán trung bình từ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nghiên cứu cho thấy đây là một loại nấm dễ trồng, dễ bán, vốn đầu tư ít nhưng mang lại lợi nhuận khá cao và ổn định.
Để xây dựng mô hình trồng nấm từ bã thạch với quy mô 100 m2 cần đầu tư chi phí khoảng 40 triệu đồng để trang bị các vật tư, thiết bị như: hệ thống phun sương, cải tạo nhà nuôi trồng, kệ ủ bã thạch, đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm, bã thạch, giống nấm, vôi bột… Thời vụ thích hợp để trồng nấm từ bã thạch là từ tháng 5 đến tháng 9. Để trở thành nguyên liệu sản xuất nấm, bã thạch được ủ với vôi để tiêu diệt các vi sinh vật gây hại, mầm bệnh đồng thời làm cho bã thạch mềm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm phát triển. Bã thạch sau khi ủ kỹ được cấy giống nấm với tỷ lệ 2 kg giống nấm/tấn nguyên liệu. Giống nấm phải được chuẩn bị trước khi ủ nguyên liệu, khi giống nấm được 12 đến 16 ngày tuổi, sợi nấm phát triển khắp đáy túi không bị mốc xanh, mốc đen hay có mùi chua là có thể tiến hành cấy nấm vào bã thạch. Sau 10 đến 14 ngày là có thể thu hoạch nấm, trong 1 tháng sau đó nấm sẽ tiếp tục cho thu hoạch. Với diện tích 100 m2 có thể sử dụng 4 tấn bã thạch để sản xuất, nấm thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 1.000 kg. Theo giá thị trường hiện mỗi kg nấm tại vườn là 70.000 đồng, như vậy, tổng doanh thu đạt 70 triệu đồng/vụ, trừ các chi phí đầu tư nhà xưởng, nhân công, nguyên vật liệu thì số lãi thu được gần 30 triệu đồng. Tiền lãi sẽ còn tăng lên trong những vụ tiếp theo do nhà xưởng, thiết bị sản xuất chỉ phải đầu tư một lần. Trong năm 2022, anh Hảo đã phối hợp sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022, việc trồng nấm trên bã cây thạch đen không chỉ xử lý hiệu quả bã thạch mà còn mang lại lợi ích kinh tế, đa dạng hóa các loại nấm trồng tại Lạng Sơn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, nhất là những lao động vùng nông thôn. Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức, dự án trồng nấm trên cơ chất bã cây thạch đen góp phần tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường đạt giải chuyên đề vì tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Ý kiến ()