Ý tưởng góp phần nâng cao giá trị chanh rừng Mẫu Sơn
- Thời gian qua, nhóm học sinh Trường THPT Ba Sơn, huyện Cao Lộc đã nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ quả chanh rừng Mẫu Sơn và được thị trường ưa chuộng.
Chanh rừng là loại cây mọc tự nhiên trên các sườn đồi của thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc. Tuy nhiên, giá trị kinh tế đem lại không cao, thời gian bảo quản không được lâu. Chính vì vậy, nhóm học sinh gồm: Nguyễn Thị Phương Thùy, Tô Phương Quỳnh, Hoàng Thị Nhung, Hoàng Mạnh Kiên, Lương Tùng Dương, học sinh lớp 12A, Trường THPT Ba Sơn, huyện Cao Lộc đã nghiên cứu và thực hiện ý tưởng “Chanh rừng Co Loi - Mẫu Sơn và các sản phẩm từ chanh rừng hướng tới sản phẩm OCOP”.
Em Nguyễn Thị Phương Thùy, trưởng nhóm dự án chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng em được biết quả chanh rừng có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Quả chanh rừng được thu hoạch quanh năm, tuy nhiên không bảo quản được lâu, chỉ để được khoảng 1 tuần là hỏng. Do vậy, nhóm chúng em đã có ý tưởng chế biến các sản phẩm từ quả chanh rừng để góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị quả chanh rừng Mẫu Sơn.
Theo đó, ý tưởng bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2023. Để thực hiện ý tưởng này, các em học sinh phải trực tiếp đến lựa chọn quả chanh rừng tại các khu rừng của người dân thôn Co Loi. Sau đó, quả chanh rừng được rửa sạch và thực hiện qua rất nhiều công đoạn như: phơi, ngâm, ủ, tách hạt, đóng hộp… Cô giáo Nông Thị Ghi, giáo viên hướng dẫn nhóm dự án chia sẻ: Chế biến các sản phẩm từ quả chanh rừng là một ý tưởng rất thiết thực và ý nghĩa, do đó, các thầy cô giáo trong trường rất ủng hộ. Thời gian đầu, khi mới thực hiện ý tưởng, do chưa có kinh nghiệm nên nhóm còn gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm bị hỏng, không đảm bảo chất lượng. Bản thân tôi là giáo viên hướng dẫn đã tìm hiểu, nghiên cứu và hướng dẫn các em chú trọng đến từng khâu chế biến để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Sau khi có sản phẩm hoàn thiện, nhóm đã thành lập trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, Shopee, đồng thời đưa sản phẩm ra bày bán tại chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện tại, nhóm các em học sinh Trường THPT Ba Sơn đã chế biến được 11 sản phẩm từ quả chanh rừng như: chanh rừng ngâm mật ong, chanh rừng ngâm muối, mứt chanh rừng, lá chanh rừng, nước cốt chanh rừng, chanh rừng ngâm đường phên... được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Từ khi thực hiện ý tưởng đến nay, trung bình mỗi tháng, nhóm các em học sinh bán được gần 100 sản phẩm. Giá thành các sản phẩm rất hợp lý, chỉ dao động từ 20.000 đồng/sản phẩm đến 250.000 đồng/sản phẩm, hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng ra các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh…; doanh thu đem lại khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hải, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Tôi tìm hiểu và được biết quả chanh rừng có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Khi được dùng thử và trải nghiệm các sản phẩm được làm từ loại quả này, tôi rất thích sản phẩm mứt chanh rừng và chanh rừng muối khô. Tôi thấy sản phẩm vừa dễ sử dụng, dễ bảo quản và có công dụng trị ho rất tốt nên tôi đã đặt mua sản phẩm này về dùng và làm quà cho bạn bè, người thân.
Ông Lương Văn Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Mẫu Sơn có khoảng 12 ha chanh rừng, được trồng tại thôn Co Loi và thôn Khuổi Phiêng. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại, nhiều hộ đã nhân giống mở rộng diện tích trồng. Ý tưởng chế biến các sản phẩm từ quả chanh rừng hướng đến sản phẩm OCOP của các em học sinh Trường THPT Ba Sơn đã góp phần giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.
Có thể thấy, từ sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các em học sinh đã cho ra các sản phẩm độc đáo chế biến từ quả chanh rừng. Đây là một ý tưởng có nhiều tiềm năng, góp phần nâng cao giá trị chanh rừng Mẫu Sơn. Năm 2023, ý tưởng này của các em đạt giải ba tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh. Vừa qua, đây là dự án duy nhất của Lạng Sơn lọt vào chung kết toàn quốc cuộc thi Ý tưởng/dự án khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững năm 2024.
Ý kiến ()