Ý thức lái xe là điều kiện tiên quyết giúp ngừa tai nạn
LSO-Từ ngày 1/3/2016, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tốc độ tối đa cao hơn 10 km/h (so với quy định trước đây) cả trong và ngoài khu vực đông dân cư. Đây là nội dung chính trong Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Sau khi quy định này có hiệu lực, thực tế vẫn còn những ý kiến quan ngại, sợ rằng với nền tảng cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế như hiện nay, nếu tăng tốc độ thì sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra các xe vận tải hành khách chạy tuyến cố định tại Bến xe phía Bắc |
Thông tư 91 được ban hành thay thế cho Thông tư số 13/2009/TT/BGTVT. Theo đó, các phương tiện xe cơ giới gồm ô tô, xe máy (trên 50cc), xe chuyên dụng, xe gắn máy và cả xe máy điện chạy trong khu vực đông dân cư trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên đều được phép chạy tốc độ tối đa lên thành 60 km/h. Trong khi đó, trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 50 km/h. Ở ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ, ô tô tải đến 3,5 tấn có thể chạy tối đa 80-90 km/h; ô tô trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải trọng 3,5 tấn trở lên chạy tối đa 70-80 km/h; đầu kéo rơ-moóc chạy tối đa 60-70 km/h; ô tô kéo rơ-moóc tối đa 50-60 km/h, người chạy xe mô tô được tăng tốc độ tối đa thêm 10 km/h lên thành 70 km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới thì tốc độ tối đa vẫn giữ nguyên là 60 km/h.
Quy định này có hiệu lực, về phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các lái xe đều hài lòng. Anh Nguyễn Văn Cường, lái xe tuyến cố định thuộc Hợp tác xã Vận tải Đoàn Kết chia sẻ: tốc độ tăng lên sẽ góp phần rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, đặc biệt là lái xe sẽ không cảm thấy sốt ruột mỗi khi chạy xe trên các tuyến đường trong khu vực đông dân cư. Ông Vi Văn Nước, Giám đốc Công ty Cổ phần xe buýt Non Nước cho rằng: với đặc thù kinh doanh của xe buýt phần lớn đi trong khu vực đông dân cư, nên quy định tăng thêm 10 km/h đối với xe cơ giới nói chung khi lưu thông trong khu vực đông dân cư vào thời điểm này là hợp lý. Các lái xe buýt sẽ thoải mái tâm lý hơn khi lưu thông.
Tuy nhiên, một số bộ phận người dân lại lo ngại rằng tăng tốc độ, nhất là trong khu vực đông dân cư thì nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng. Ông Nguyễn Văn Thường, người dân khu Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: các thành phố lớn thì không biết thế nào nhưng đối với đường nội thị trong khu vực thành phố Lạng Sơn, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, cung đường ngắn…, giả sử một chiếc xe buýt 24 chỗ ngồi chạy với tốc độ tối đa là 50 km/h sẽ khá là nguy hiểm.
Trao đổi về những luồng ý kiến khác nhau về quy định mới theo Thông tư 91 (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ), ông Lâm Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết: thực tế, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu kỹ khi nâng tốc độ lên thêm 10 km/h đối với xe cơ giới, chính Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã chấp nhận mức tốc độ này vì 50 – 60 km/h không phải phạm vi giới hạn uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Bộ GTVT cũng đã căn cứ vào điều kiện mới của kết cấu hạ tầng để điều chỉnh tốc độ phương tiện trong môi trường khai thác khác nhau, trong khu đô thị và từng cấp đường, loại đường. Việc làm này phù hợp với xu thế chung. Hiện chúng ta đang quy định đường trong đô thị có dải phân cách cứng tốc độ tối đa là 50 km/h đối với xe ô tô. Việc tăng tốc độ tối đa lên 60 km/h là phù hợp.
Ông Hùng cũng khẳng định: tốc độ tăng thêm không phải là nguy cơ chính gây ra tai nạn giao thông, mà chính ý thức hay sự chủ quan của lái xe mới phải đáng bàn, bởi vậy, tốc độ quy định tăng lên, đồng hành cùng đó là ý thức của lái xe cũng phải tăng theo. Đây là điều kiện tiên quyết để hạn chế những tai nạn giao thông xảy ra trong khu vực đông dân cư.
Thực tế, các cán bộ công tác trong ngành giao thông cũng đều đồng tình với việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép. Vì nhiều năm qua, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nên để hợp với xu thế phát triển chung, quy định về tốc độ cũng phải nâng lên. Tuy nhiên, để có thể hạn chế những va chạm, những tai nạn xảy ra, nhất là trong khu vực nội thành, nội thị thì Sở GTVT sẽ tiếp tục quan tâm duy trì những điều kiện đảm bảo ATGT như thường xuyên quan tâm, duy tu bảo dưỡng đường giao thông; giải tỏa những khu vực lấn chiếm hành lang ATGT…
Trong 2 tháng đầu năm 2016, lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh đã xử lý gần 300 trường hợp chạy quá tốc độ quy định. Số phương tiện vi phạm lỗi này đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2015. Hy vọng với việc quy định tốc độ tối đa được tăng thêm 10 km/h, việc vi phạm về lỗi này sẽ chấm dứt.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()