Y tế xã “đỡ gánh” cho các bệnh viện
LSO-Đưa bệnh nhân tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) về cho y tế xã quản lý là giải pháp nhằm giảm tải bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các bệnh viện.
Cán bộ y tế xã Bằng Khánh (Lộc Bình) tư vấn cho bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường |
Những kết quả bước đầu
Bị bệnh tăng huyết áp đã hơn 3 năm, vừa qua ông Hoàng Văn Hiền 57 tuổi trú tại thôn Nà Ngần, xã Bằng Khánh (Lộc Bình) lại bị tai biến mạch máu não. Người nhà ông Hiền đã gọi điện thoại cho cán bộ y tế xã đến xử trí kịp thời trước khi đưa lên Trung tâm Y tế huyện để điều trị. Ông cho biết: Nếu không có y tế xã, chắc chắn gia đình sẽ không biết cách ứng phó và hậu quả sẽ rất xấu. Bác sĩ Lý Thị Xít, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bằng Khánh cho biết: Thực hiện quản lý và theo dõi điều trị 16 bệnh nhân huyết áp và 5 bệnh nhân tiểu đường trên địa bàn thực sự là một công việc khó khăn, vì nó đòi hỏi sự sâu sát, nhanh nhạy, sự vững vàng về chuyên môn và đầy đủ về trang thiết bị y tế. Công việc chính của y tế xã là quản lý, theo dõi điều trị, trong đó quan trọng nhất là tư vấn cho người bệnh để điều trị hiệu quả hơn, đề phòng tai biến, biến chứng. Đối với bệnh nhân ĐTĐ, việc tư vấn cực kỳ quan trọng, từ cách vệ sinh đến thực đơn, khẩu phần ăn uống hằng ngày… để họ biết cách “chung sống” với loại bệnh này.
Bác sỹ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho rằng: Trung tâm rất tin tưởng vào đội ngũ cán bộ y tế xã trong theo dõi điều trị THT và ĐTĐ. Với quy trình khám sàng lọc, phát hiện, chỉ định điều trị, cấp thuốc điều trị và chuyển về xã theo dõi điều trị, trong thời gian qua y tế xã của huyện Lộc Bình đã thực hiện quản lý 1.542 bệnh nhân THA và 94 bệnh nhân ĐTĐ, góp phần giảm tải rất nhiều cho Trung tâm Y tế huyện. Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Do đã có kinh nghiệm điều trị bệnh lao và một số bệnh khác, nên y tế xã hoàn toàn có khả năng quản lý theo dõi điều trị bệnh THA và ĐTĐ. Thời gian qua, Hữu Lũng đã chuyển 623 bệnh nhân THA về xã và trong quá trình quản lý theo dõi điều trị, tất cả đều “khá ổn”.
Tháo gỡ những khó khăn
Ước tính toàn tỉnh có trên 40 ngàn người bị bệnh THA và trên 30 ngàn người bị bệnh ĐTĐ, chiếm từ 5-7% dân số. Khi cuộc sống vật chất của người dân được cải thiện thì 2 loại bệnh này lan rộng từ thành thị đến nông thôn và gây áp lực cho hệ thống y tế. Thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy số lượng bệnh nhân ngoại trú (trong đó chủ yếu là THA và ĐTĐ) tại bệnh viện tuyến tỉnh là 135% kế hoạch, tuyến huyện là 127,7% kế hoạch, trong khi tuyến xã chỉ đạt 36,4% kế hoạch. Đây là căn bệnh xã hội nên chủ trương quản lý và theo dõi điều trị tại cộng đồng, lấy y tế xã làm nòng cốt là một giải pháp y tế khá bền vững nhằm giảm tải cho tuyến tỉnh, huyện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trung tâm y tế chưa mạnh dạn bàn giao đối tượng bệnh nhân này về tuyến xã. Bác sỹ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia cho biết: Trong gần 800 bệnh nhân THA và ĐTĐ, trung tâm mới chuyển được 209 bệnh nhân về phòng khám đa khoa khu vực quản lý, theo dõi điều trị, mà chưa dám bàn giao cho trạm y tế xã, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trình độ, khả năng đội ngũ và trang thiết bị.
Mặc dù toàn tỉnh đã có gần 90% trạm y tế có bác sỹ, song trình độ còn bất cập. Nhiều bác sỹ tuyến xã còn chưa phân biệt được tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2; nhiều trạm y tế chưa có máy đo đường huyết, thiết bị đo huyết áp cũ kỹ và thiếu thiết bị chuyên dùng. Nhiều trạm y tế chưa thực hiện lập sổ quản lý bệnh nhân ĐTĐ. Vì vậy, tập huấn cán bộ, mua sắm thiết bị y tế là 2 vấn đề đầu tiên phải làm khi bàn giao bệnh nhân THA và ĐTĐ về xã. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Y tế đã liên tục mở các lớp tập huấn cán bộ và từng bước cấp thiết bị cho các trạm y tế đã góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao bệnh nhân THA và ĐTĐ về cấp xã.
MINH HỒNG
Ý kiến ()