Y tế trường học - khi sức khỏe học sinh được quan tâm
>>> Y tế trường học - điều kiện đảm bảo sức khỏe học sinh>>> Tổng kết công tác y tế trường học năm học 2013-2014
LSO-Y tế trường học (YTTH) là một yếu tố không thể thiếu trong công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của nó, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã chăm lo cho TYTH về mọi mặt để thiết chế này hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi nhà trường.
Trẻ 5 tuổi Trường Mầm non nông thôn xã Tràng Phái (Văn Quan) thực hành rửa tay đúng cách |
Tốt nghiệp Trường CĐYT Lạng Sơn, cô Nguyễn Thị Thêm được nhận vào công tác tại Trường Tiểu học xã Đề Thám (Tràng Định). Giấc mơ hành nghề tại các bệnh viện không thành song hàng ngày được gần gũi với các em nhỏ, trong đó có các em ở vùng sâu, vùng xa tại các phân trường, cô cảm thấy yêu nghề hơn khi được kiêm cả hai “vai”- thầy giáo và thầy thuốc. Cô tâm sự: “Học sinh tiểu học vùng nông thôn hầu như đã quá quen với cảnh dầu dãi nắng mưa từ tấm bé, nay được học về cách giữ gìn vệ sinh thân thể, ăn uống, các cháu cũng tiến bộ lên rất nhiều”. Là nhân viên YTTH với mức lương 2,1 triệu đồng, cộng thêm 20% phụ cấp nghề và nhất là được làm việc gần nhà cô cũng đã yên tâm với nghề và yêu trẻ hơn.
Khác với cô Thêm, đã 8 năm gắn bó với Trường THCS xã Mai Pha- một trường chuẩn quốc gia của thành phố, cô Phạm Thị Phượng đã tự khẳng định mình và nâng tầm của YTTH trong sự phát triển toàn diện của học sinh. Đối tượng chăm sóc của cô là những học sinh cấp THCS- đối tượng có sự biến đổi mạnh về thể chất và tâm hồn. Bởi vậy, cô không chỉ “chữa bệnh” khi cần mà còn là một nhà giáo, nhà tâm lý học lứa tuổi để tư vấn cho các em những vấn đề về sức khỏe vị thành niên.
Theo thống kê, năm học 2013-2014, toàn ngành GD&ĐT có 711 cán bộ y tế/721 trường học, đạt tỷ lệ 98,6%; trong đó có 469 cán bộ chuyên trách. Đến nay, tất cả các trường THPT, chuyên nghiệp và nhiều trường THCS đã có cán bộ y tế chuyên trách. Tuy tỷ lệ kiêm nhiệm còn cao (33,56%) nhưng với tính chất quan trọng của công tác bảo vệ sức khỏe học sinh nên hoạt động về y tế đã nhiều hơn công việc kiêm nhiệm và đã mang lại hiệu quả tốt. Đây thực sự là “vốn quý” của ngành GD&ĐT, vì trong nhiều năm phấn đấu, kiến nghị về biên chế và bổ sung biên chế, ngành mới có được đội ngũ này. Khi số trường thực hiện bán trú, nhất là các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường MN, thì vai trò của cán bộ YTTH càng được khẳng định, khi họ gánh trọng trách kiểm tra, tư vấn và giám sát công tác vệ sinh ATTP- khâu liên quan đến hàng trăm con người. Cô Vương Thị Hè, nhân viên YTTH Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Hữu Kiên (Chi Lăng) cho biết: điều kiện bán trú còn khó khăn, học sinh lại ở xa, diện phủ sóng điện thoại lại hẹp nên hầu như tính mạng của học sinh trong một tuần lễ đều được gửi gắm vào nhà trường. Do đó công việc của YTTH cũng vất vả hơn, đội ngũ giáo viên còn thay nhau làm công tác quản sinh, còn y tế trường học thì chỉ có một mình nên phải trực suốt tuần, ít có thời gian chăm lo việc nhà. Không chỉ là “giữ” mấy viên thuốc, ít dụng cụ sơ cứu, mà công việc đối với cô còn có cả bếp ăn tập thể trong điều kiện thiếu thốn, chật hẹp, nguồn thực phẩm không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Xuân Trường, Trưởng Phòng Công tác HSSV- Sở GD&ĐT cho biết: vài năm nay, đội ngũ nhân viên YTTH không chỉ tăng về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng chuyên môn, lòng nhiệt tình và hiệu quả công tác. Đó là kết quả của sự tham mưu sát, đúng của ngành GD&ĐT với UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành GD&ĐT với ngành y tế, nhất là Trung tâm YTDP, Chi cục Vệ sinh ATTP, Chi cục Dân số/KHHGĐ và toàn hệ thống y tế từ tỉnh đến thôn bản trong việc đảm bảo sức khỏe học sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn VSTP; sự vào cuộc của BHXH tỉnh trong việc đầu tư nguồn lực cho YTTH. Trong năm học vừa qua đã có 601 trường thực hiện khám sức khỏe cho học sinh với gần 150 ngàn HSSV; công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng, các bệnh mắt, phòng cong vẹo cột sống… được tăng cường, nhất là đã hạn chế được sự lây lan của bệnh sởi, tay-chân- miệng, thủy đậu, quai bị…
Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của YTTH không chỉ phụ thuộc vào trình độ, sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế mà phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm của người đứng đầu. Đối với nhiều trường học, nhân viên y tế không biết được số tiền mà BHYT trích lại là bao nhiêu nên thiếu chủ động trong tham mưu đề xuất mua sắm thuốc men và dụng cụ y tế. Việc ngành bảo hiểm yêu cầu các trường có học sinh được bảo hiểm theo các kênh như dân tộc, vùng cao, người nghèo…phải phô tô thẻ BH của học sinh để làm căn cứ tính tỷ lệ phần trăm trích lại cho hoạt động y tế nhà trường. Việc làm này tưởng chừng đơn giản song không hề dễ dàng. Cô Vương Thị Hè, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Hữu Kiên thì cho biết: năm học 2013-2014, trường của cô có 246 học sinh và 100% được BHYT, nhà trường muốn mượn thẻ của các em mang đi phô tô để gửi lên cấp trên, song cũng chỉ mượn được hơn 100 thẻ. Cô kiến nghị rằng, ngành BHXH cần cải tiến cách làm theo hướng thuận tiện hơn cho các nhà trường. Có cán bộ y tế, song nhiều trường vẫn thiếu phòng y tế (toàn ngành mới có 280 trường có phòng y tế) nên hoạt động khám, sơ cấp cứu cho học sinh còn nhiều khó khăn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()