Y tế ngoài công lập: Vươn lên để cạnh tranh lành mạnh
LSO- Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, trong những năm qua, trên 100 cơ sở y tế ngoài công lập của Lạng Sơn đã có những bước tiến mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều người bệnh vào khám và điều trị ngoại trú.
Hiện đại hóa để thu hút bệnh nhân
Nghe tin một số phòng khám ngoài công lập trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã được khám “thông tuyến” bảo hiểm y tế (BHYT), ông Dương Quý Hương, xã Bắc Ái (Tràng Định) đã đến phòng khám số 2 đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh để khám chứng bệnh tê nửa người. Chưa biết sẽ điều trị ra sao, nhưng được các bác sĩ phòng khám đón tiếp niềm nở, khám chu đáo, ông cũng thêm hy vọng. Ông nói: “Phòng khám này có đội ngũ bác sĩ giỏi, lại mua sắm các trang thiết bị hiện đại, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Vả lại mình đi khám theo kênh BHYT nên không tốn kém nhiều”.
Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Mai Thị Hằng, chủ phòng khám cho biết: để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, ngoài hợp đồng với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ, phòng khám đã đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại như: máy chụp cắt lớp, máy cộng hưởng từ, máy siêu âm đa chiều, các loại máy xét nghiệm… Vì vậy, trung bình mỗi ngày, phòng khám đã thực hiện khám và điều trị ngoại trú cho trên 100 bệnh nhân, trong đó có gần 1 nửa là bệnh nhân BHYT.
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Phú Lộc mới hình thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, với 4 dịch vụ cơ bản: khám đa khoa, khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị, cung cấp và tiêm vắc-xin dịch vụ, kết nối khám, chữa bệnh với cơ sở chính tại Hà Nội.
Người dân cho trẻ uống vắc – xin dịch vụ phòng vi rút rôta tại phòng khám Đa khoa Quốc tế Phú Lộc
Đưa con đến phòng khám để được uống vắc-xin phòng virut rôta, chị Nguyễn Thị Ánh ở phường Vĩnh Trại nói rằng: nhiều người có xu hướng đưa con về Hà Nội để tiêm và uống các loại vắc-xin dịch vụ, song tôi cho con đến địa điểm này, giá cả phải chăng, lại vừa gần để có thể xử lý tốt các vấn đề về phản ứng nếu có.
Không chỉ ở các phòng khám “mới nổi”, mà phòng khám có bề dày hoạt động như: phòng khám Đa khoa Xứ Lạng đã có 18 năm hoạt động cũng tập trung mua sắm và mở rộng loại hình dịch vụ y tế. Ông Lương Huyện Mình, chủ phòng khám cho biết: sắp tới phòng khám sẽ mở thêm Khoa Methadone, tạo thêm nhiều cơ hội cho người nghiệm ma túy dạng thuốc phiện trên địa bàn vào điều trị.
Những tác động tích cực
Trên địa bàn Lạng Sơn hiện có 110 cơ sở y tế ngoài công lập, phân bố tại tất cả 11 huyện, thành phố, song tập trung tại thành phố Lạng Sơn và các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng… Dù lớn hay nhỏ, dù hiện đại hay còn khiêm tốn, nó cũng tạo ra một mạng lưới y tế ngoài công lập rộng khắp, tạo nhiều cơ hội cho người dân được chăm sóc y tế. Bệnh cạnh đó, công tác xã hội hóa tại các bệnh viện công cũng tạo ra nguồn lực rất đáng kể bên cạnh dịch vụ công lập. Trong điều kiện kinh tế của người dân ngày càng khá lên; sự “cởi trói” trong khám và điều trị BHYT và chính sách bình đẳng giữa 2 loại hình y tế, thì sự tác động của y tế ngoài công lập là khá rõ nét. Một mặt, nó “san sẻ” bớt “gánh nặng” cho các cơ sở y tế công lập, kéo giảm tình trạng quá tải về cả y tế điều trị và y tế dự phòng. Mặt khác, nó cũng tác động mạnh lên y tế công lập, thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện tại các bệnh viện công.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế, 2 loại hình y tế trên địa bàn tỉnh ta có tác động tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau, cùng thi đua tăng cường trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phong cách phục vụ để thu hút bệnh nhân. Và trong “cuộc đua” không ngừng này, chính bệnh nhân là những người được hưởng lợi.
Tuy nhiên, ngành y tế cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hành nghề y dược tư nhân, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là sai phạm về cơ sở hạ tầng như: phòng khám, trang thiết bị, việc công khai giá dịch vụ, về trình đội đội ngũ và các yếu tố đảm bảo an toàn. Có như vậy, y tế ngoài công lập mới phát triển lành mạnh và vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()