Y tế môi trường Bắc Sơn: Kết quả và những vấn đề đặt ra
LSO-Cùng với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm gần đây công tác y tế môi trường đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và người dân huyện Bắc Sơn quan tâm nhiều hơn và coi đó như một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
LSO-Cùng với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm gần đây công tác y tế môi trường đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và người dân huyện Bắc Sơn quan tâm nhiều hơn và coi đó như một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nước giếng đào ở xã Vũ Sơn vẫn được nhiều gia đình sử dụng |
Đối với các trụ sở, bệnh viện, trường học, sự quan tâm đến y tế môi trường được biểu hiện cụ thể trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, học sinh về vệ sinh môi trường gắn liền với sự đầu tư các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, thu gom rác thải. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các cơ quan đã lồng ghép y tế môi trường vào việc xây dựng “cơ quan văn hóa, cơ quan an toàn”; đảm bảo y tế môi trường cũng là điều kiện bắt buộc của các trạm xá trong việc chống nhiễm khuẩn; đối với các nhà trường là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Xuân Tỉnh, Phó Bí thư Thường trực xã Vũ Sơn cho biết: trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở trung tâm và khu vực nông thôn, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường, huy động sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Bắc Sơn, tính đến hết tháng 6/2013, trong số 20 trụ sở xã, đã có 100% trụ sở có công trình vệ sinh; trong số 20 trạm y tế, đã có 75% số trạm có công trình nước sạch và 50% số trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn huyện có 55 trường học và tỷ lệ trường có công trình nước sạch, có nhà vệ sinh đã đạt trên 90% (trong đó, các điểm trường chính đạt 100%).
Toàn huyện có 14.912 hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn, chiếm 98,5% tổng số hộ gia đình. Nếu trước đây, khi nguồn nước các khe lân lũng và nước nguồn còn dồi dào, thì người dân lấy nước sinh hoạt bằng máng lần tự chảy. Nhưng vài chục năm gần đây, khi rừng đầu nguồn dần cạn kiệt, các lân lũng bị khai phá thành rừng sản xuất và làm nương rẫy, không có khả năng sinh thủy và duy trì nguồn nước thì xu hướng dùng nước giếng đào, giếng khoan và xây bể hứng nước mưa đã khá phổ biến. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, đến nay, toàn huyện đã có 15.023 công trình nước sinh hoạt, trong đó giếng đào chiếm 32%, giếng khoan chiếm 3,5%, bể chứa nước mưa chiếm 15% và còn gần 50% là các loại khác như dùng nước máy tập trung, máng tự chảy… Kết quả kiểm tra tháng 6/2013 của Đội Y tế dự phòng huyện thì tỷ lệ đạt vệ sinh chiếm 98,2% số các công trình được kiểm tra.
Về xử lý rác thải sinh hoạt, trừ thị trấn Bắc Sơn và các xã xung quanh huyện có hợp đồng thu gom và xử lý rác thải; còn hầu hết người dân khu vực nông thôn, chợ nông thôn tự xử lý rác sinh hoạt theo tính chất thu gom và đốt. Phương pháp “truyền thống” này, theo các cán bộ y tế đã đảm bảo được vệ sinh nếu các hộ và người dân tại khu dân cư có ý thức cao theo phương châm “sạch nhà, sạch chợ, sạch thôn bản”. Số hộ có nhà tiêu ở khu vực nông thôn là 14.835 hộ, đạt tỷ lệ 99,5%. Nếu trước đây, các hộ gia đình sinh hoạt trên nhà sàn và vứt đủ mọi thứ, kể cả phóng uế xuống gầm sàn; thì nay, ngoài việc di rời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn, người dân đã đầu tư làm nhà vệ sinh ngay trên sàn nhà có đường ống thu xuống bể xử lý như ở các xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Long Đống và các xã vùng khó khăn như Tân Tri, Nhất Hòa… vừa đảm bảo vệ sinh, vừa văn minh lịch sự. Tuy nhiên số nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn chỉ đạt 52,2%. Có một thực tế là hầu hết số gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh đều nằm trong tỷ lệ 15,7% hộ nghèo, nhưng cũng do ý thức của người dân chưa quan tâm đến công trình “đặc biệt” này. Chúng tôi đã đến thăm hộ gia đình người Dao khá nhất ở thôn Lân Cà (Trấn Yên); ông vừa cất ngôi nhà sàn đẹp nhất vùng trị giá hàng tỷ đồng, xây nhà tắm ốp gạch men có vòi sen đẹp đẽ, song lại không xây nhà vệ sinh. Khi được hỏi, thì ông nói là…chưa quan trọng?
Nhìn chung công tác y tế môi trường ở Bắc Sơn đã được quan tâm mang lại hiệu quả tốt trong việc phòng chống dịch bệnh, cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, chất lượng nước ở địa phương luôn là vấn đề nan giải. Các xã bên sườn núi đất dùng nước giếng đào nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo vệ sinh, do việc dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều năm tại các nương rẫy, chất độc đã ngấm xuống tầng nước ngầm. Người dân thị trấn Bắc Sơn và xã Long Đống đang dùng nguồn nước ngầm khai thác từ giếng khoan sân vận động và khu vực Mỏ Sáng. Qua kiểm tra thường kỳ của Trung tâm Y tế huyện, cả 2 nguồn nước này đều bị nhiễm khuẩn Coly với mức khá cao. Ngành nước sạch đã phải xử lý khá vất vả mới có thể giảm. Ông Hoàng Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho rằng, song song với nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân như không dùng chất hóa học quá độc hại, tồn dư lâu, thu gom chai lọ, túi đựng chất bảo vệ thực vật vào một nơi để tập trung xử lý; về lâu dài cần có một giải pháp căn cơ hơn trong khai thác nguồn nước ngầm và chống nhiễm khuẩn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()