Y tế học đường góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên
– Xác định y tế học đường có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóa sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên (HSSV), ngành giáo dục tỉnh luôn quan tâm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học.
Cán bộ y tế Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn phối hợp với cán bộ y tế phường Hoàng Văn Thụ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ em nhà trường
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe HSSV, hằng năm sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác y tế trường học. Trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HSSV thông qua các cuộc họp hội đồng, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tích hợp vào các môn học giúp HSSV nâng cao nhận thức và biết cách phòng, tránh dịch bệnh; triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về sức khỏe, bệnh tật học đường và vệ sinh an toàn thực phẩm; truyền thông giáo dục sức khỏe về các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích và hành vi có hại cho sức khỏe cho HSSV..
Ghi nhận trong năm học 2022 – 2023, các trường đã phối hợp triển khai hơn 4.000 lượt tuyên truyền cả trực tiếp và gián tiếp qua nhiều kênh khác nhau cho hơn 600.000 lượt HSSV, giáo viên trong các nhà trường. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về phòng, chống bệnh tật học đường, chăm sóc răng miệng và phòng, chống các bệnh về mắt; hoạt động thể lực nâng cao sức khỏe HSSV…
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho HSSV khi đến trường, trong năm học các nhà trường đều phối hợp với trung tâm y tế huyện, thành phố; trạm y tế các xã, phường, thị trấn thực hiện việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định. Các trường đều có phòng y tế và vật tư, thuốc; có sổ quản lý, sổ theo dõi sức khỏe HSSV, thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế điều trị đối với học sinh mắc bệnh mãn tính và thông báo cho gia đình về tình hình sức khỏe của HSSV.
Thông qua phối hợp khám sức khỏe ban đầu cho HSSV, các nhà trường đã phát hiện các dấu hiệu bất thường và yếu tố nguy cơ về sức khỏe của HSSV, chủ yếu là các bệnh về răng miệng, bệnh về dinh dưỡng, bệnh về mắt. Cụ thể, có hơn 9.000 trẻ, học sinh mắc suy dinh dưỡng; trên 80.000 trẻ, học sinh mắc các bệnh về răng, miệng, mắt, bệnh về tim mạch, hô hấp và các bệnh khác. Sau khi có kết quả kiểm tra, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh và phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe cho các em. |
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, nhân viên y tế Trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để chăm sóc sức khỏe học sinh, phòng y tế của nhà trường được trang bị đầy đủ dụng cụ kiểm tra sức khỏe lâm sàng, cùng các danh mục thuốc thiết yếu gồm 3 nhóm chính là: hạ sốt, giảm đau; tiêu hóa; sát khuẩn, băng bó vết thương… Mỗi năm, có trung bình khoảng 300 lượt học sinh được chăm sóc ban đầu khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Bên cạnh đó, hằng năm trường đều phối hợp với Trạm Y tế phường để tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe của các em để thông báo cho phụ huynh từ đó có biện pháp chăm sóc hiệu quả.
Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, trong năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 670 trường học. Trong đó, 100% trường học có phòng y tế, có ban chăm sóc sức khỏe HSSV; có 464 nhân viên y tế (cả biên chế và hợp đồng), một số nhân viên y tế kiêm nhiệm nhiều trường học, đảm bảo 100% trường có nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ y tế trường học.
Thông qua phối hợp khám sức khỏe ban đầu cho HSSV, các nhà trường đã phát hiện các dấu hiệu bất thường và yếu tố nguy cơ về sức khỏe của HSSV, chủ yếu là các bệnh về răng miệng, bệnh về dinh dưỡng, bệnh về mắt. Cụ thể, có hơn 9.000 trẻ, học sinh mắc suy dinh dưỡng; trên 80.000 trẻ, học sinh mắc các bệnh về răng, miệng, mắt, bệnh về tim mạch, hô hấp và các bệnh khác. Sau khi có kết quả kiểm tra, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh và phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe cho các em. Qua đó, đến cuối năm học, số học sinh mắc các bệnh đã giảm.
Em Hoàng Phương Nhi, học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Bính Xá cho biết: Trong thời gian học tại trường, ngoài kiến thức môn học, chúng em còn được tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe và cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm; cùng đó, được nhân viên y tế nhà trường và y tế xã khám sức khỏe định kỳ. Qua đó, giúp chúng em biết được các vấn đề về sức khỏe để có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, đảm bảo sức khỏe tốt nhất để học tập đạt hiệu quả.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho HSSV, hằng năm, ngành giáo dục còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học. Tính riêng từ năm 2022 đến nay, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp tổ chức 13 lớp tập huấn cho hơn 500 nhân viên y tế trường học, chủ yếu về trang bị những kiến thức về quản lý sức khỏe trường học; phòng, chống một số bệnh thường gặp, sơ cấp cứu ban đầu, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…
Năm học 2023 – 2024 đã bắt đầu, theo báo cáo của ngành giáo dục, năm học này toàn tỉnh có hơn 200.000 trẻ, HSSV. Hiện nay, cùng với việc tập trung triển khai nhiệm vụ giáo dục, các nhà trường còn quan tâm tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần tới cán bộ, giáo viên, HSSV; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị tại phòng y tế học đường,… nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho HSSV. Qua đó, góp phần vào thực hiện tốt công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học mới.
Ý kiến ()