Ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI
LTS: Thực hiện Kế hoạch số 67-KH/TU, ngày 8/10/2014 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn số 146-HD/BTGTU, ngày 30/6/2015 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, từ số báo ngày 21/7/2015, Báo Lạng Sơn mở chuyên mục đăng tải ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ban Biên tập Báo Lạng Sơn rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo văn kiện này. Ý kiến đóng góp xin gửi về Báo Lạng Sơn, đường Quang Trung, thành phố Lạng Sơn hoặc Email: [email protected]. Báo Lạng Sơn sẽ xem xét, biên tập đăng tải những ý kiến tiêu biểu, đồng thời tổng hợp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để gửi về Tiểu ban Văn kiện của Đại hội.
Cần đánh giá rạch ròi hạn chế đối với từng lĩnh vực *
Trong các dự thảo báo cáo của Trung ương đã nêu đầy đủ, rõ nét những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, bài học rút ra và nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.
Đặc biệt báo cáo đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; những nguy cơ nảy sinh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và trong công tác xây dựng Đảng. Chính những nội dung đó đã một phần “giải tỏa được những bức xúc” và tạo được lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng ta.
Đối với dự thảo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội lần thứ XVI: dự thảo báo cáo đã thể hiện đầy đủ những thành quả các mặt, các lĩnh vực; phản ánh được khá rõ sự phát triển ngày một tốt hơn.
Trong báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu có sáu nhiệm vụ công tác. Sáu nhiệm vụ công tác này thể hiện đầy đủ những gì đã, đang và sẽ làm. Phần kết quả, thành công đều ghi tương đối cụ thể, thế nhưng phần hạn chế thì còn chung chung. Nếu đem “áp” vào từng nhiệm vụ vẫn trúng, không chỗ này thì chỗ kia, nhưng cảm thấy không liên hoàn, rạch ròi từng đặc thù riêng của mỗi lĩnh vực, nhiệm vụ.
Trung tướng Dương Công Sửu nghiên cứu Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XV trên Báo Lạng Sơn. Ảnh: LÊ MINH
Trong phần này, nhiệm vụ quốc phòng không nêu hạn chế, khuyết điểm. Theo tôi, hạn chế, yếu kém của nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn tỉnh ta cũng có ý giống trong dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương. Nên viết lại là: “ Sự gắn kết (hoặc kết hợp) giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm an ninh – quốc phòng chưa thật chặt chẽ; tổ chức biên chế, trang bị chưa bảo đảm yêu cầu đối với nhiệm vụ của tỉnh biên giới”.
Phần phương hướng nhiệm vụ, dự thảo báo cáo nêu tương đối toàn diện, đầy đủ, phát triển từ nông thôn, các vùng cửa khẩu, biên giới… nhưng chưa khẳng định liệu có đưa thành phố Lạng Sơn thành đô thị loại 2 được không.
Những năm qua, nhiều địa phương, nhiều ngành đã dày công tìm kiếm, lập hồ sơ, thuyết trình để một số địa danh, công trình, cảnh vật thiên nhiên được công nhận là di sản thế giới, đó là việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng ở từng thôn bản, quê hương, ngõ xóm cũng có những cảnh vật thiên nhiên, hoặc do nhân dân tạo ra gắn liền với đời sống của họ từ bao đời nay… nhưng chưa đủ để trở thành di sản của thế giới. Nếu có phương hướng khuyến khích họ, công nhận những cảnh vật, địa danh, công trình ấy thành di sản của làng, xã, huyện của họ, được như vậy thì tốt biết bao!
Trung tướng Dương Công Sửu (nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I)
* Đầu đề bài viết do tòa soạn đặt
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()