Ý kiến cử tri đối với Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV
Cần quan tâm cụ thể đời sống nhân viên y tế, hỗ trợ công nhân, người lao động đang gặp khó khăn; tìm giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp; quy rõ trách nhiệm nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công – đó là ý kiến của một số cử tri đối với Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. |
Cần quan tâm cụ thể đời sống nhân viên y tế
Hơn 20 năm gắn bó với y tế tuyến cơ sở, tôi thấu hiểu những khó khăn của các đồng nghiệp đang công tác. Trong nhiều tâm tư đó, có không ít lo lắng đối với những bấp bênh mà nhân viên y tế cơ sở công lập đã và đang phải nỗ lực vượt qua. Thực tế, hơn hai năm vắt kiệt sức, toàn tâm toàn lực tập trung chống dịch Covid-19 để hoàn thành sứ mệnh “chống dịch như chống giặc”, dù vô vàn khó khăn nhưng chúng tôi động viên nhau ở lại gắn bó với nghề y, gắn bó với y tế công lập. Bản thân tôi lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, còn các nhân viên y tế tại trạm hưởng mức lương từ 3 triệu đồng-5 triệu đồng/tháng.
Trước tình hình tăng giá nhiều mặt hàng, với mức lương này, cuộc sống chật vật vô cùng. Xét về góc độ kinh tế thì nhiều người sẵn sàng bỏ việc tại y tế xã, phường để tìm một việc khác có thu nhập khá, ổn định. Nhưng xét về góc độ nhân văn, đã là nhân viên y tế, được học hành bài bản, nhận trọng trách khám chữa bệnh cho người dân, chỉ vì cái khó khăn trước mắt này mà bỏ đi, thì thật sự mình không xứng đáng. Đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần sớm có giải pháp kịp thời, ổn định tâm thế cho nhân viên y tế, yên tâm công tác một cách tốt nhất cả về thể chất và tinh thần.
LÊ THỊ KIM YẾN
(Trưởng trạm y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Công nhân, người lao động đang gặp không ít khó khăn
Với công nhân, người lao động như chúng tôi, dù đã nhận được các gói hỗ trợ nhưng nhìn chung đời sống của một bộ phận vẫn còn gặp khó khăn do giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Khoảng hai tháng gần đây, trên địa bàn Đồng Nai, một số doanh nghiệp hết đơn hàng xuất khẩu buộc phải sản xuất cầm chừng, người lao động được cho nghỉ việc luân phiên khiến thu nhập giảm sút. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đời sống của công nhân, người lao động vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Theo dự báo, năm 2023, kinh tế nước ta sẽ chịu tác động khó lường của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
ĐẶNG VĂN HỢP
(Cử tri khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Thiếu giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp
Theo dõi phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều việc tăng giá các loại vật tư nông nghiệp đầu vào, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, người dân luôn đối mặt với tình trạng giá vật tư nông nghiệp đầu vào, giá bán nông sản không ổn định, thường gây bất lợi cho người dân. Tôi mong muốn, thời gian tới, Chính phủ có giải pháp căn cơ bình ổn giá vật tư đầu vào nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất. Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích (về thuế, phí môi trường) để doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, cung ứng các vật tư nông nghiệp thiết yếu; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa trên thị trường để hạn chế vật tư giả, kém chất lượng; ưu tiên hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương cần chủ động giám sát việc thực thi các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nhất là giá vật tư nông nghiệp đầu vào và đầu ra của nông sản.
LÊ NGỌC SƠN
(Ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ)
Khắc phục thực trạng nghỉ việc trong khu vực công
Trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 27/10, nhiều ý kiến đại biểu trao đổi về vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong khu vực công. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, thu nhập của các cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng khối lượng công việc thường ngày, nhất là nhiều người đã trải qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi khối lượng công việc cần giải quyết hằng ngày trên nhiều lĩnh vực là rất lớn… Tăng lương cơ bản, tạo thêm các điều kiện tăng thu nhập, tạo môi trường làm việc thân thiện, hài hòa lợi ích… là những giải pháp Chính phủ cần sớm thực hiện để ổn định tâm lý cho người lao động, qua đó giúp họ có niềm tin, gắn bó với công việc.
THÁI THỊ THU HIỀN
(Ngụ đường 79, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)
Quy rõ trách nhiệm nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến ngày 30/9/2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ba chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả thấp, ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến ngày 30/9 chỉ đạt 3,86% kế hoạch. Đây là con số đáng buồn, mà nguyên nhân ai cũng nhìn thấy rõ từ quy trình, thủ tục đến năng lực của một bộ phận cán bộ còn chưa tốt. Điều này dẫn đến tình trạng cứ xin dự án, nhưng do khâu chuẩn bị yếu kém, cho nên đến khi triển khai thì đụng đâu cũng vướng, lại phải xin điều chỉnh, hoặc ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Bên cạnh đó, thủ tục còn quá phức tạp, chưa được liên thông, cải cách tốt. Qua báo chí, tôi biết có những dự án giao thông tại thành phố Hà Nội phải xin lùi tiến độ hết lần này đến lần khác vì hết vướng chỗ này đến khó chỗ kia. Vì vậy theo tôi, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã đề ra, bên cạnh việc phải tạo hành lang thông thoáng hơn nữa các thủ tục hành chính, cần quy rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu với những dự án chậm tiến độ.
Ý kiến ()