Thứ 7, 23/11/2024 08:54 [(GMT +7)]
Ý kiến bạn đọc Bảo đảm an ninh học đường
Thứ 2, 23/08/2010 | 10:21:00 [(GMT +7)] A A
Trong những năm gần đây, các hiện tượng tiêu cực xã hội có tác động trực tiếp đến môi trường sinh hoạt và học tập của các em học sinh. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật do các em học sinh gây ra đã gây hoang mang, lo lắng cho gia đình, nhà trường và xã hội. Mặc dù, các trường chủ động phối hợp với lực lượng công an và gia đình thực hiện nhiều biện pháp giáo dục các em học sinh chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng, việc xử lý, chấn chỉnh những sai phạm của các em học sinh còn chậm, thiếu tính răn đe. Kỷ cương, kỷ luật và công tác quản lý học sinh trong các trường học chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Một số biện pháp giáo dục, rèn luyện đối với học sinh về đạo đức, lối sống, phẩm chất hiệu quả chưa cao.
Việc một số em học sinh đi học mang theo dao, kéo với lý do là để “phòng thân” không phải là chuyện hiếm. Nhiều học sinh dành phần lớn thời gian chơi điện tử, truy cập mạng in-tơ-nét… hơn là tập trung cho học tập. Tình trạng học sinh vi phạm luật lệ an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Học sinh bỏ học, nghỉ học là một thực tế đáng báo động. Đáng lưu ý, nhiều em học sinh bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm tội hình sự, nghiện hút, tệ nạn xã hội, trong đó có cả các loại tội phạm nguy hiểm.
Trước tình hình nêu trên, để tăng cường công tác bảo đảm an ninh học đường, cần tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật và vi phạm pháp luật ở các trường, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh vi phạm. Trong giáo dục các em, vai trò của gia đình là rất quan trọng, vì phần lớn thời gian các em do gia đình trực tiếp quản lý. Các em đang ở thời kỳ hình thành nhân cách, tâm lý chưa ổn định, thường hiếu động và dễ bị kích động bởi những tác động tiêu cực, cho nên rất cần phối hợp theo dõi quản lý. Định kỳ hằng tuần, phụ huynh cần trao đổi, cung cấp những thông tin về con, em mình cho giáo viên chủ nhiệm để phối hợp giáo dục. Trong thời gian các em không học tập tại trường thì phụ huynh cũng cần cung cấp thời gian biểu hoạt động của các em để nhà trường biết, tham gia, góp ý, định hướng một số nội dung hoạt động cho phù hợp với tâm lý, sức khỏe và trình độ của từng lứa tuổi.
Các gia đình phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các đồ dùng học tập, sách vở của các em trước khi đến trường, không để các em mang theo hung khí. Các gia đình có con em học cùng lớp nên thường xuyên liên lạc với nhau để trao đổi và biết thêm những thông tin về con em mình. Qua đó sớm phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu sa sút trong học tập, lệch lạc trong lối sống, thậm chí nghi vấn liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật để chủ động phối hợp phòng ngừa, giáo dục. Đối với các em học sinh cá biệt, cần tính toán, áp dụng các biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết thì gia đình và nhà trường có thể phối hợp với lực lượng công an có biện pháp phù hợp để theo dõi, giám sát, cảm hóa, răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()