Xy-ri trước ngưỡng cửa chiến tranh
Trong bài phát biểu tại cuộc họp Chính phủ Xy-ri ngày 26-6, Tổng thống Ba-sa An Át-xát thừa nhận, nước này đang "trong tình trạng chiến tranh", đồng thời chỉ thị cho chính phủ mới được bổ nhiệm tập trung mọi nỗ lực để dẹp bằng được các lực lượng nổi dậy chống chính quyền.Tổng thống An Át-xát bác bỏ yêu sách của phương Tây và phe đối lập đòi ông từ chức. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tổng thống Xy-ri đưa ra nhận định và lời kêu gọi nêu trên trong bối cảnh xung đột vũ trang lan rộng và đang leo thang đến mức nguy hiểm. Phe đối lập mà lực lượng chính là "Hội đồng dân tộc Xy-ri" đóng trụ sở tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và cái gọi là Quân đội Tự do Xy-ri (FSA) được phương Tây và một số nước A-rập bợ đỡ về chính trị, cung cấp tài chính và vũ khí tiếp tục các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến ở Xy-ri. Lực lượng đối lập này, vì thế, công khai bác bỏ...
Tổng thống An Át-xát bác bỏ yêu sách của phương Tây và phe đối lập đòi ông từ chức. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tổng thống Xy-ri đưa ra nhận định và lời kêu gọi nêu trên trong bối cảnh xung đột vũ trang lan rộng và đang leo thang đến mức nguy hiểm. Phe đối lập mà lực lượng chính là “Hội đồng dân tộc Xy-ri” đóng trụ sở tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và cái gọi là Quân đội Tự do Xy-ri (FSA) được phương Tây và một số nước A-rập bợ đỡ về chính trị, cung cấp tài chính và vũ khí tiếp tục các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến ở Xy-ri. Lực lượng đối lập này, vì thế, công khai bác bỏ mọi đối thoại với chính quyền Đa-mát và đề nghị ngừng bắn theo như Kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn A-rập C.An-nan đề xuất. Mặt khác, lực lượng khủng bố khu vực lợi dụng tình hình rối ren ở Xy-ri để “đục nước béo cò”.
Điều đó lý giải vì sao trong 16 tháng qua, Chính phủ và Tổng thống An Át-xát đã tiến hành hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm sửa đổi hiến pháp, tổ chức tổng tuyển cử và ba lần thay đổi Chính phủ… Vậy mà, cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực không giảm, trái lại lan rộng và leo thang đến mức độ rất nguy hiểm. Các cuộc xung đột vũ trang lớn giữa lực lượng an ninh chính phủ và phe nổi dậy ở ngoại ô Thủ đô Đa-mát trong ngày 26-6 được xem là ác liệt nhất và là lần đầu chính quyền sử dụng đạn pháo trong cuộc giao tranh này. Ngày 27-6 lại có thêm hơn 100 người, trong đó có 68 dân thường bị sát hại. Lực lượng chính phủ đã bắt giữ một số tay súng nổi dậy, trong đó hầu hết là người A-rập từ bên ngoài Xy-ri và thu giữ nhiều vũ khí như súng phóng lựu, dao găm, súng máy và rất nhiều đạn dược. Đây là bằng chứng mới không thể chối cãi về sự tham gia của các tay súng và lực lượng khủng bố bên ngoài vào Xy-ri. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, người phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, ông Héc-vơ Lát-xu khẳng định, tình hình tại Xy-ri ngày càng nguy hiểm nên phái đoàn quan sát viên của LHQ không thể khôi phục hoạt động tại nước này. Thỏa thuận ngừng bắn, một phần trong kế hoạch hòa bình của LHQ chỉ tồn tại trên giấy.
Trong bối cảnh Xy-ri đắm chìm trong tình trạng mâu thuẫn sắc tộc kéo dài và bạo lực leo thang, phương Tây và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nước từng có thời là đồng minh láng giềng của Xy-ri, đã có những “hành động không tốt” gây thêm phức tạp cho chính quyền Đa-mát. Đó là tiến hành chiến tranh tâm lý và tuyên truyền, đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế. Hành động nghiêm trọng và nguy hiểm là Thổ Nhĩ Kỳ đã cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời Xy-ri, rồi đơn phương cho máy bay “cứu nạn” vào vùng trời Xy-ri và yêu cầu NATO họp bàn biện pháp trừng phạt Xy-ri.
Là một trong những quốc gia có vị trí địa – chính trị quan trọng, đồng thời đi đầu trong phong trào độc lập dân tộc và chống chủ nghĩa đế quốc ở Trung Đông, Xy-ri từ lâu được coi là một ngọn cờ giải phóng và tiến bộ trong thế giới A-rập. Điều này một lần nữa được đánh giá qua phản ứng của LHQ và nhiều nước khu vực. Nhà cầm quyền I-ran, I-rắc, Liên đoàn A-rập cũng như các nước: LB Nga, Trung Quốc rất quan tâm diễn biến cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, đã và đang có những nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột ở Xy-ri trở thành “chảo lửa” mới ở Trung Đông. Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập, cựu Tổng Thư ký LHQ Cô-phi An-nan tiếp tục những nỗ lực mới, đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế mới tại Giơ-ne-vơ vào ngày 30-6 tới, với sự tham dự của đại diện nhiều nước liên quan, trong đó có I-ran. Đại sứ Nga tại LHQ nêu rõ, tình hình Xy-ri là “đáng lo ngại”, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Ông khẳng định, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp sẽ tham dự hội nghị quốc tế có tính quyết định này. Mỹ và NATO lên tiếng sẽ gia tăng sức ép buộc Tổng thống An Át-xát từ chức, nhưng hiện không có kế hoạch diễn lại “kịch bản Li-bi”, vì thiếu sự hậu thuẫn của LHQ và cộng đồng quốc tế.
XY-RI đang đứng trước ngưỡng cửa nội chiến đẫm máu. Chính quyền của Tổng thống An Át-xát vẫn được số đông người dân trong nước ủng hộ và được các lực lượng tiến bộ trong khu vực sát cánh trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng đang chiếm giữ đồi Gô-lan, lãnh thổ thiêng liêng của người A-rập. Tổng thống Xy-ri từng cảnh báo, Xy-ri không phải là Ai Cập và càng không phải là Li-bi. Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Xy-ri được coi là châm ngòi cho thùng thuốc súng. Bộ Ngoại giao I-ran tuyên bố, sự can thiệp quân sự vào Xy-ri sẽ phá hoại an ninh khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()