Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, Tòa soạn Báo Nhân Dân cử tôi lúc đó là Phó Tổng Biên tập, là Đặc phái viên bám sát hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong cuộc đời làm báo Đảng, thỉnh thoảng tôi được cử viết tường thuật một số chuyến công tác của Bác Hồ, của đồng chí Trường Chinh, nhưng chưa bao giờ được cử là Đặc phái viên thường xuyên bám sát hoạt động của đồng chí lãnh đạo Đảng.
Do đó tôi may mắn có điều kiện tiếp xúc làm việc thường xuyên với đồng chí Nguyễn Văn Linh theo nhiệm vụ được giao. Cũng cần nói rằng, trên cơ sở chức trách được giao, dù là cán bộ cao cấp nhưng tôi cũng không được phép dự mọi hoạt động của đồng chí, vì có những việc bí mật tôi chưa được phép tiếp cận. Chủ yếu là bám sát hoạt động của Tổng Bí thư khi đồng chí làm việc với địa phương, với cơ sở, tiếp xúc với các giới để thông tin công khai cho đồng chí, đồng bào cùng biết. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ giúp tôi hiểu được phần nào tư tưởng phong cách của đồng chí Tổng Bí thư trong từng thời kỳ.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng giao trọng trách cùng Ban Chấp hành T.Ư triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã được Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định. Đồng chí thường nói với chúng tôi: Để đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, vấn đề quan trọng nhất, là phải xác định được mô hình và chính sách cụ thể, do đó phải đi khảo sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân, cơ sở. Cũng phải trung thực mà nói rằng, không phải chuyến đi cơ sở nào của đồng chí cũng có ý nghĩa khảo sát vì với cương vị của đồng chí, địa phương nào cũng muốn đồng chí tới thăm hỏi, động viên, nhưng cũng phải thấy nhiều chuyến đi công tác địa phương của đồng chí có tính chất khảo sát, có những ý kiến chỉ đạo rất quan trọng trong việc triển khai đường lối đổi mới của Đảng, mà tôi chỉ xin phép được kể hai trường hợp cụ thể.
… Giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội là một tư tưởng lớn của thời kỳ đổi mới, trong những năm đầu tập trung thực hiện ba mục tiêu (lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu) để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Nhưng đổi mới là một cuộc cách mạng, không thể làm theo cách cũ, cho nên phải vừa kiên định vừa sáng tạo, phải quyết đáp trong khi chưa có sẵn mô hình, do đó “phải dò dẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm” như đồng chí thường nói.
Bây giờ, các nhà viết sử kinh tế thường nhắc tới Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về nông nghiệp ra ngày 5-4-1988 như một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trước hết là sản xuất lương thực phát triển, chỉ sau một năm từ chỗ thiếu ăn đã có thể xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, là sự phát triển mới so với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư 1-1981. Chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết 10, Bộ Chính trị đã phân công các đồng chí Võ Chí Công, Lê Phước Thọ, Nguyễn Ngọc Trìu, Vũ Oanh… nhưng chúng tôi cũng được theo đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp đi khảo sát ở các địa phương Long An, Tiền Giang, Bình Định, Hải Phòng, Hà Bắc,…; đến địa phương nào đồng chí cũng về tận xã, thôn, ấp hỏi chuyện cán bộ, nhân dân không chỉ nghe lãnh đạo tỉnh, huyện báo cáo. Nghị quyết 10 có nhiều nội dung rất mới mà tôi đã có nhiều dịp trình bày trong các cuộc hội thảo chuyên đề, nhưng các nhà nghiên cứu chắc còn nhớ một chi tiết rất quan trọng về chủ trương “khoán gọn” thay cho “năm khâu, ba khâu” của Chỉ thị 100 vì liên quan tới quyết sách trao quyền tự chủ cho gia đình xã viên, thật ra là qua sự khảo sát kinh nghiệm “khoán theo đơn giá” của Hợp tác xã Thiên Hương (Kiến Thụy, Hải Phòng) và “khoán gọn” của Hợp tác xã Ngọc Thành (Hiệp Hòa, Hà Bắc) của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đây là một Nghị quyết chuẩn bị rất công phu, Bộ Chính trị thảo luận nhiều lần, nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương và chuyên gia trong Nam ngoài Bắc và theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đưa dự thảo Nghị quyết xuống các địa phương làm thử trong chín tháng và sau đó mời 611 đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc góp ý kiến vào văn bản trước khi Tổng Bí thư ký ban hành. Nghị quyết 10 đã có những quan điểm, phương hướng chính sách rất quan trọng nhưng khi triển khai, hiệu quả thực tế thế nào? Sau khi Nghị quyết ban hành, đồng chí Tổng Bí thư lại đi một số địa phương, xuống xã hỏi tập trung mấy vấn đề: “Sản lượng có tăng không?”, “Phân chia cho xã viên có được 40% sản lượng hay không?”, “Thực hiện chính sách mới thì gia đình có công, gia đình neo đơn có ảnh hưởng gì không?”, “Bộ máy quản lý giảm được bao nhiêu?”… Thực ra đó là những vấn đề cốt tử trong kinh tế và xã hội khi thực hiện chính sách mới. Việc thực hiện tư tưởng trong Nghị quyết lại đòi hỏi những mô hình rất sáng tạo của cơ sở. Đọc trên báo thấy có ba bài điều tra về bán máy kéo cho xã viên, thực hiện khoán thầu, ai giỏi nghề gì làm nghề đó hé mở tư duy hình thành các trang trại ngay giữa đồng bằng… Đồng chí tổ chức chuyến đi về ngay hai xã Tứ Trưng và Vạn Xuân của huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú nơi bài báo phản ánh, chỉ hỏi nông dân hai điều: “Bài báo viết có đúng hay không?”, “Bà con có tán thành cách làm đó hay không?”.
Cùng với việc xác định mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng chí đặc biệt quan tâm khảo sát tình hình phát triển các thành phần kinh tế để sản xuất bung ra như quan điểm đổi mới của Đảng. Tôi còn nhớ khi theo đồng chí về nghiên cứu tình hình ở cơ sở sản xuất công nghiệp BEMEX ở Hà Nội, tháng 2-1989. Đây là cơ sở sản xuất tấm lợp phoóc-mi-ca do đồng chí Bạch Minh Sơn, một đảng viên là cán bộ khoa học trẻ làm giám đốc, mới 42 tuổi, xin “nghỉ mất sức”, huy động vốn của 50 bạn đều là cán bộ khoa học với 2 tỷ đồng là số tiền rất lớn lúc đó, thành lập công ty, thuê 40 công nhân, dự định phát triển thu hút từ 100 đến 200 công nhân. Tổng Bí thư hỏi đồng chí Sơn: “Công việc của anh có khó khăn gì không?” Anh Sơn thẳng thắn trả lời: “Tư duy của Đảng, Nhà nước rất thoáng nhưng nhiều cơ quan còn bó lắm. Dân còn nhiều vốn nhưng chưa tin, còn bỏ ra giọt nhỏ vì không biết Nhà nước có cho làm ăn lâu dài hay không?…”. Qua các lần đối thoại với anh Sơn, tôi thấy Tổng Bí thư rất băn khoăn. Anh mời các đồng chí lãnh đạo Hà Nội lúc đó là các anh Phạm Thế Duyệt, Trần Tấn, Trần Lưu Vỵ tới trao đổi ý kiến. Đồng chí nói: “Vốn trong dân còn nhiều lắm, ngay ở Hà Nội này cũng tới hàng nghìn tỷ đồng. Bây giờ làm sao huy động được mọi năng lực, mọi nguồn vốn đưa vào sản xuất. Nhưng trong lòng nhiều người còn nghi ngại, sợ ta “vỗ béo rồi làm thịt”. Cho nên cần nói cho dân rõ là chính sách kinh tế nhiều thành phần là lâu dài và phải khẳng định bằng lời nói, việc làm cho mọi người tin. Thành phố cần nghiên cứu xem xét các cơ sở vướng mắc gì thì gỡ cho anh em, cốt làm sao cho các thành phần kinh tế bung ra mạnh hơn nữa. Trả lời câu hỏi của lãnh đạo Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư nói: “Cứ nên để đồng chí Sơn ở trong Đảng nếu đồng chí đó tự nguyện”.
Tất cả những dòng chữ trong ngoặc kép là ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã đăng công khai trên báo Đảng. Nhiều ý kiến của đồng chí trong quá trình khảo sát cơ sở, trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo địa phương sau đây trở thành Nghị quyết Đảng, Luật, Nghị định của Nhà nước. Có ý kiến chỉ đạo của đồng chí phải 17 năm sau mới trở thành Nghị quyết của Đảng như ý kiến của đồng chí về đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân ở cơ sở BEMEX.
Còn có thể kể thêm nhiều trường hợp nữa để nhấn mạnh phong cách luôn luôn gắn với nhân dân, với cơ sở, khảo sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn (chứ không chỉ thăm hỏi, động viên) của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như đồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện, đã góp phần khẳng định các mô hình và chính sách để nhanh chóng đưa đường lối vào cuộc sống.
Ý kiến ()