Xuôi bến Ngòi Vần thăm chiến khu xưa
Từ bến Ngòi Vần, xuôi theo dòng nước trong xanh soi bóng núi đồi lau nứa ngút ngàn, chúng tôi dừng chân ở Hiền Lương, nơi có chiến khu Vần – Hiền Lương trong cách mạng tháng Tám.
Bên bờ Ngòi Vần, tại khu 9, xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), bia lịch sử in đậm dấu ấn thời gian và lưu giữ sự kiện về đội du kích Âu Cơ đã khơi dòng lịch sử đưa chúng tôi về chùa Linh Phúc và đền Mẫu Âu Cơ cách đó chừng 1km, địa điểm thành lập đội du kích mang tên Mẫu Mẹ Âu Cơ.
Bước vào không gian chùa Linh Phúc (Hiền Lương), những mái vòm cong vút, uốn lượn trên nền trời xanh hòa vào hương trầm thơm ngát khiến cho con người cảm thấy vừa thanh tịnh vừa linh thiêng.
Tiếng chuông chùa vang lên từng tiếng hòa vào cái nắng hanh hao trên cánh đồng Hiền Lương bát ngát, phả vào dáng núi Nả trùng điệp và dòng sông Hồng cuộn chảy, gợi lên trong chúng tôi những âm vang hào hùng của đội du kích mang tên đội du kích Âu Cơ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bến Ngòi Vần (Hiền Lương), địa bàn hoạt động của Chiến khu Vần – Hiền Lương. |
Theo dòng lịch sử, chúng tôi lật tìm những trang viết về sự ra đời của đội du kích mang tên Mẹ Âu Cơ huyền thoại ở ngôi Linh Phúc tự.
Sau khi chiến khu Vần – Hiền Lương được thành lập vào tháng 5-1945 (Gồm làng Vần của Yên Bái và Hiền Lương của Phú Thọ), nhằm phát triển lực lượng trong chiến khu, ngày 14-5-1945, thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, đội du kích Âu Cơ được chính thức thành lập tại chùa Linh Phúc với 33 đội viên.
Trong ký ức của các cựu chiến binh trong làng Hiền Lương, đến nay, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước cửa chùa. Hình ảnh thiêng liêng ấy như cất lên lời hiệu triệu của cách mạng.
Khi ấy, quần chúng nhân dân vô cùng vui mừng và như có thêm động lực để quyết tâm vùng lên khởi nghĩa.
Sau hơn một tháng hoạt động, đội du kích đã phát triển lên tới 100 đội viên. Đây là một trong những đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang Phú Thọ sau này.
Những địa điểm gắn liền với chiến khu Hiền Lương ngày ấy được nhắc đến như Bình Kiện, Quân Khê, Đồng Luận, Tiểu Phạm, Nang Sa, Đan Thượng, Đan Hà, Phượng Trà, Hậu Bổng, Hạ Bằng La, Phú Lộc, Vần, Minh Phú.
Nhằm cứu đói cho người dân, đội du kích Âu Cơ đã bí mật phá kho thóc Nhật ở Vân Hội vào ngày 13-6-1945, thu được hàng trăm tấn thóc, chia cho dân nghèo trong vùng.
Bến đầm Vân Hội đến nay vẫn còn in dấu những chiếc thuyền nan chở lực lượng du kích tiến công phá kho thóc của Nhật. Nơi đây, bờ sông rậm rạp, lau lách, núi non hiểm trở, khá thuận lợi cho tập hợp lực lượng và tiến công kẻ thù.
Sự lớn mạnh của đội du kích Âu Cơ khiến cho kẻ thù ngày càng khiếp sợ và yếu thế. Những trận đánh, tấn công trực diện kẻ thù của đội du kích Âu Cơ ở Ngòi Vần đã tiêu diệt nhiều tên địch, tước khí giới và chặn đường tấn công của kẻ thù, giành thế chủ động về ta.
Đội du kích Âu Cơ đã góp phần quan trọng về phát triển lực lượng và phối hợp với tỉnh Yên Bái tạo nên sức mạnh của cả chiến khu Vần – Hiền Lương.
Cựu chiến binh Nguyễn Hưng Canh kể rằng, các chiến sĩ và quần chúng nhân dân ghi nhớ những chiến công vang dội của đội du kích Âu Cơ qua những vần thơ còn mãi với thời gian: “Nhật về khủng bố Âu Cơ/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/Bốn thằng chết, một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi!”
Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Đình Thuận, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Đội du kích Âu Cơ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn cách mạng đầy sôi động và vẻ vang của dân tộc”.
Trong tâm thức của các bậc cao niên và người dân làng Hiền Lương, đội du kích Âu Cơ trong những ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám là niềm tự hào và là dấu ấn không phai mờ trong lịch sử dân tộc.
Về thăm Hiền Lương, những dấu ấn về đội du kích Âu Cơ hiện diện bên ngôi cổ tự Linh Phúc tọa lạc trên một gò đất cao, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, bên trái là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, phía sau là những triền núi trập trùng uốn lượn tạo nên một địa thế vững chãi, sơn thủy hữu tình. Tiếng chuông chùa vẫn vang lên mỗi khi chiều về như gợi lên trong lòng người những tiếng của cha ông vọng về từ trong quá khứ.
Cách ngôi chùa Linh Phúc chừng 500m là đền Mẫu Âu Cơ – nơi thờ Mẫu Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt. Nơi đây, đội du kích mang tên Mẹ đã từng tập hợp lực lượng và tổ chức những cuộc tấn công kẻ thù.
Trở lại bến Ngòi Vần, cảnh vật đôi bờ hoang sơ, tĩnh lặng, dòng nước xanh thẳm như gợi lên những chiến công của đội du kích Âu Cơ những ngày khởi nghĩa. Nơi đây, người dân quanh vùng vẫn lưu giữ những chiếc thuyền nan gắn với những chiến tích của đội du kích.
Bia lịch sử bên bờ Ngòi Vần tuy rêu phong nhưng không bị mờ đi những dòng sự kiện ghi dấu chiến công lịch sử của chiến khu Hiền Lương: “Ngày 2.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang chiến khu Hiền Lương và nhân dân các xã thuộc huyện Hạ Hòa khởi nghĩa giành chính quyền”.
Thầy giáo Đặng Đình Hiếu, Bí thư Đoàn trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) cho biết: “Đoàn trường THPT Hạ Hòa hằng năm tổ chức ngoại khóa về chiến khu Vần – Hiền Lương để đoàn viên thanh niên luôn tự hào về truyền thống của cha anh trong lịch sử”.
Đội du kích Âu Cơ và chiến khu cách mạng Vần – Hiền Lương là những dòng lịch sử đầy tự hào và là “địa chỉ đỏ” giáo dục ý chí, phẩm chất đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ý kiến ()