Xung quanh mục tiêu GDP tăng trưởng 6% của Trung Quốc
Trong lúc nhiều nước vẫn đang chật vật khống chế COVID-19 để hồi phục kinh tế, Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng trở lại với mục tiêu tăng trưởng 6%, tạo ra ít nhất 11 triệu việc làm tại các khu vực thành thị.
Các nhà quan sát nhận định rằng việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% trong năm nay cho thấy nước này đã sẵn sàng áp dụng các biện pháp để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Là điểm nhấn nổi bật hàng đầu của kỳ họp “Lưỡng hội” hàng năm (bao gồm Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc và cuộc họp của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc – tức Quốc hội), Báo cáo công tác Chính phủ được cho là văn kiện thể hiện rõ ràng nhất thực tế phát triển kinh tế chính trị và xu hướng chính sách tương lai của Trung Quốc.
Báo cáo năm nay phản ánh việc Trung Quốc cơ bản đã phục hồi về trạng thái trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 sau hơn một năm nỗ lực chống dịch. Đó là lý do Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách xuống mức 3,2%, không tiếp tục phát hành trái phiếu đặc biệt và vấn đề này càng được thể hiện rõ nét trong việc thiết lập vùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc cũng đã phá vỡ giới hạn thâm hụt ngân sách 3%, giảm thuế trên quy mô lớn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế, cũng như phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) trái phiếu đặc biệt phòng chống dịch bệnh. Mặc dù phải trả một cái giá không hề nhỏ, nhưng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế chủ chốt duy nhất trên toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lý giải rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu mang tính tổng hợp. Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6%, Bắc Kinh đã xem xét tình hình phục hồi và vận hành của nền kinh tế. Điều này có lợi cho việc huy động các bên tập trung thúc đẩy cải cách đổi mới, phát triển chất lượng cao.
“Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chúng tôi sẽ thực hiện các điều chỉnh chính sách phù hợp nhưng theo cách vừa phải”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết tại một cuộc họp báo ngày 11/3. “Một số chính sách tạm thời sẽ bị loại bỏ dần nhưng chúng tôi sẽ đưa ra cấu trúc chính sách mới, như cắt giảm thuế và phí để bù đắp tác động”, ông nói thêm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo vào tháng 1 rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, theo SCMP.
Năm ngoái, Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong phiên họp lưỡng hội vào tháng 5 do đang đối phó với sự sụt giảm kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm ngoái trong bối cảnh xảy ra các đợt phong tỏa trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ bắt đầu từ quý 2 và tăng trưởng 2,3% trong năm 2020 nói chung.
Mặc dù con số tăng trưởng 6% của năm nay thấp hơn dự báo của không ít phương tiện truyền thông, nhưng vẫn đủ để trở thành động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi và Trung Quốc tiếp tục duy trì tỉ lệ đóng góp trên 1/3 đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa, trong cách thể hiện chính thức của Trung Quốc, 6% được coi là giới hạn đỏ của mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thực tế là hơn 6%.
Trên thực tế, bên cạnh các biện pháp phục hồi kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã hoạch định mục tiêu phát triển dài hạn của thời kỳ hậu dịch bệnh. Năm 2021 sẽ là năm mở đầu của “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu triển vọng năm 2035”.
Trong dự thảo Cương yếu Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và mục tiêu tầm nhìn 2035, Trung Quốc không đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm cụ thể và chỉ cam kết giữ tăng trưởng trong phạm vi hợp lý. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể trong quy hoạch phát triển 5 năm nhằm theo đuổi mô hình phát triển mới chất lượng cao.
Ông Hồ Tổ Tài – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho hay: “Không thiết lập một chỉ tiêu định lượng cụ thể có lợi cho việc tích cực, chủ động và linh hoạt trong ứng phó với mọi rủi ro và thách thức. Thực tế là tạo không gian để ứng phó với các yếu tố không xác định của môi trường phát triển. Điều này cũng có lợi cho việc tập trung trọng tâm công tác vào nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển”.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Trung Quốc xác định đổi mới sáng tạo là động lực phát triển chính, đột phá công nghệ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu cơ bản hiện đại hóa quốc gia vào năm 2035. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được coi trọng thay vì dịch vụ.
Trung Quốc cũng sẽ khai thác thị trường nội địa nhiều hơn trong giai đoạn phát triển mới và mô hình phát triển xanh được đặt biệt chú trọng với nhiều chỉ tiêu bảo vệ môi trường mang tính bắt buộc. Trong đó, Trung Quốc đặt chỉ tiêu đặt chỉ tiêu lượng khí thải toàn bộ nền kinh tế giảm 18% vào năm 2025.
Hơn 1/3 chỉ tiêu phát triển 5 năm tới liên quan đến dân sinh và chấn hưng nông thôn được đưa lên tầm chiến lược trọng điểm quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, Trung Quốc cũng lần đầu tiên đặt ra chỉ tiêu mang tính bắt buộc về bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng trong quy hoạch phát triển 5 năm giai đoạn tới.
Các nhà phân tích cho rằng, không chỉ tốc độ tăng trưởng mà cách thức tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc cũng sẽ có tác động sâu sắc và nhiều mặt đến kinh tế thế giới.
Dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng chỉ tiêu tăng trưởng vẫn ẩn sau các chỉ tiêu phát triển khác và Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 5-6% mỗi năm, đưa nước này vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao trong vòng 5 năm tới.
Ý kiến ()