Xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 17-11.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tới Việt Nam kể từ khi bà được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-New Zealand tiếp tục đi vào chiều sâu.
Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19-6-1975. Trải qua gần 50 năm với nhiều biến động của thời cuộc, quan hệ Việt Nam-New Zealand vẫn duy trì đà phát triển tích cực và để lại nhiều dấu ấn đậm nét.
Trong chính sách đối ngoại, New Zealand luôn khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở hướng ngược lại, Việt Nam cũng thể hiện nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp với New Zealand, một đối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác chiến lược của ASEAN. Dù đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn và thách thức, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc bằng các hình thức linh hoạt, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, giữ đà hợp tác về mọi mặt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam ngày 15-3-2022. Ảnh: Dương Giang |
Kể từ năm 2009, khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cho đến năm 2020 khi nâng cấp lên đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam -New Zealand đã có bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm. Ngay cả khi bị tác động bởi đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều vẫn duy trì được mức tăng trưởng bền vững. Năm 2021 đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. 9 tháng năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến tháng 10-2022, Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand, với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD. New Zealand có 49 dự án đầu tư với tổng số vốn 210,18 triệu USD, đứng thứ 39/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
New Zealand tiếp tục triển khai có hiệu quả và dành ưu tiên cho hợp tác phát triển với Việt Nam, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh và ưu tiên song trùng như nông nghiệp và phát triển nông thôn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quản lý và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, New Zealand vừa dành cho Việt Nam khoản hỗ trợ trị giá 2 triệu NZD (1,22 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời cam kết dành viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam ở mức 26,7 triệu NZD (16,2 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2024. Hai bên đang tích cực khai thác những dư địa mới trong hợp tác phát triển, tập trung vào các lĩnh vực mới, ưu tiên của hai nước như hỗ trợ tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn, hợp tác chia sẻ thông tin trong khuôn khổ thỏa thuận song phương. New Zealand hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về chống khủng bố, kỹ thuật hình sự và điều tra, phòng, chống tội phạm rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, y tế, cứu thương chiến thuật. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Interpol cũng như Tuyên bố chung ASEAN-New Zealand năm 2005 về hợp tác chống khủng bố quốc tế. Hai bên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, nhất là tiếng Anh cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế đối thoại quốc phòng song phương.
Trên diễn đàn đa phương, Việt Nam và New Zealand là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng như: Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và một số cơ chế hợp tác của ASEAN. Hai bên thường xuyên ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngoài ra, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, lao động… cũng là những lĩnh vực hợp tác sôi động, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thời gian qua.
Chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và New Zealand đang nỗ lực kết nối trở lại với bên ngoài sau hơn hai năm đối phó với đại dịch Covid-19. Hai nước cùng chia sẻ mối quan tâm chung là nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, củng cố và đa dạng hóa các mối quan hệ bang giao quốc tế, trong điều kiện môi trường chính trị, an ninh và kinh tế trên thế giới cũng như tại châu Á-Thái Bình Dương trải qua nhiều biến động trong năm 2022.
Trên cơ sở lợi ích, tầm nhìn chung và mức độ tin cậy ngày càng sâu sắc giữa hai nước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo New Zealand sẽ tạo xung lực mới giúp quan hệ hợp tác Việt Nam-New Zealand vươn xa hơn trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Ý kiến ()