Xung kích trong sự nghiệp “trồng người”
Cô giáo Trường Tiểu học xã Hữu Liên (Hữu Lũng) dạy chữ cho đồng bào |
Những hy sinh thầm lặng
Gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) xã Mẫu Sơn đã 6 năm nay, Phó Hiệu trưởng Lộc Thị Phấn thuộc từng con dốc đứng, những khe cạn mùa đông trắng tuyết rơi, mùa hè chảy xiết sau nhưng cơn mưa rừng. Cô thuộc lòng hoàn cảnh gia đình, tính nết từng học sinh và có những biện pháp cùng Ban giám hiệu tổ chức nuôi dạy các cháu có hiệu quả. Nhà ở huyện Văn Quan, chồng mất, hai đứa con ở với ông bà, mỗi tuần cô về thăm nhà một lần dọn dẹp lại nhà cửa, trồng thêm luống rau, dặn dò con học hành cho tốt… rồi lại một mình trên chiếc xe máy cũ vượt trên 35 km đường đèo dốc để vào Mẫu Sơn.
Sáng sớm của mùa đông lạnh giá, các cô giáo của Trường Phổ thông DTBT xã Thanh Lòa (Cao Lộc) lặn ngụp trong sương muối của đoạn đường từ thành phố Lạng Sơn để vào với các em học sinh. Cô giáo Đinh Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Thanh Lòa nói vui: “Khi mọi người còn chưa thức giấc, các cô giáo đã lên đường với khuôn mặt bịt kín, mặc áo bạt, chân đi giày hoặc ủng ngồi xe gắn máy… trên các nẻo đường lên vùng cao”.
Theo thống kê của ngành GD&ĐT, trong số trên 21.500 cán bộ giáo viên, nhân viên toàn ngành, có đến trên 19.000 người là nữ. Trong đó có tới gần 10 ngàn người đang công tác tại những xã, những thôn bản vùng cao, vùng ĐBKK. Công việc của họ nhiều người có thể nhìn thấy như lên lớp hằng ngày; nhưng cũng có những công việc rất lặng thầm mà chỉ những người trong ngành mới biết như tuyên truyền công tác giáo dục đào tạo, điều tra, tổ chức và duy trì phổ cập. Cô Đỗ Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thái Bình (Đình Lập) kể cho chúng tôi nghe những chuyến đi điều tra phổ cập tại địa phương, những lần đi kiểm tra tại 10 phân trường… Những chuyến đi thường kéo dài vai ba ngày, thậm chí hàng tuần lễ với mỳ tôm, cơm nắm, làm quen với vắt rừng, muỗi khe… để vận động đồng bào Dao đưa con tới lớp…
Lòng tự trọng nghề nghiệp và cũng vì cuộc sống, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên luôn vượt lên chính mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giáo phó, xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận văn hóa giáo dục.
Vươn lên khẳng định mình
Phụ nữ nói chung và phụ nữ trong lĩnh vực GD&ĐT nói riêng luôn phải “gánh hai vai”- vừa làm tròn nhiệm vụ của người thầy và làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, người dâu con trong gia đình. Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã cùng với các phong trào, các cuộc vận động… là cơ hội để chị em vươn lên tự khẳng định mình. Chị em luôn đi đầu trong học tập, công tác giảng dạy, khao khát cống hiến và vươn lên lên. Trong số giáo viên dạy giỏi các cấp của Lạng Sơn, các nữ nhà giáo luôn chiếm số lượng đông đảo, nhiều chị đã trở thành giáo viên giỏi cấp toàn quốc như cô giáo Sái Thị Kim Thoa, Trường Tiểu học xã Châu Sơn (Đình Lập)… Trong 5 năm (2010-2015), ngành GD&ĐT tôn vinh 181 điển hình tiên tiến, trong đó có 165 nữ cán bộ giáo viên. Trong số 7 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” năm 2012-2015, đã có 5 người là nữ. Đồng chí Lê Thị Kim Hoa, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT cho biết: ngành GD&ĐT luôn quan tâm để đội ngũ nữ giáo viên phấn đấu vươn lên; công đoàn ngành một mặt luôn quan tâm giúp đỡ nữ công chức, viên chức, lao động về mọi mặt trong đời sống; mặt khác luôn có những phong trào, những cuộc vận động, tạo “sân chơi” để chị em thể hiện mình. Nhiều nữ giáo viên đã kiên trì phấn đấu và họ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của ngành và những ngành khác. Trong 11 trưởng phòng GD&ĐT của 11 huyện, thành phố có 8 người là nữ; trong 4 lãnh đạo Sở GD&ĐT có 2 người là nữ. Đây không chỉ là những thành tựu về thực hiện bình đẳng giới của ngành GD&ĐT mà còn biểu hiện rõ rệt về ý chí phấn đấu, sự vượt khó vươn lên khẳng định mình của đội ngũ nữ cán bộ giáo viên.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải nâng cao chất lượng người thầy. Với số lượng nữ đông đảo như hiện nay, ngành xác định chăm lo về mọi mặt cho cán bộ giáo viên nữ không chỉ là hành động cụ thể “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, mà còn là sự chăm lo đội ngũ giáo viên- yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Ý kiến ()