Xung đột Israel-Hamas: Rafah-cửa khẩu biên giới chiến lược giữa Gaza và Ai Cập
Ngày 16-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ triển khai một hành lang hàng không nhân đạo đến Gaza thông qua Ai Cập, với các chuyến bay đầu tiên dự kiến trong tuần này. Thông báo này mở ra tia hy vọng cho người dân Gaza có thể rời khỏi vùng đất đang có chiến sự này qua cửa khẩu Rafah.
Rafah, đòn bẩy chiến lược
Theo AFP, cuộc xung đột bắt đầu nổ ra ở Dải Gaza ngày 7-10 vừa qua đang dần biến thành một thảm họa nhân đạo. Hiện nay mọi con mắt đều đổ dồn về cửa khẩu biên giới Rafah, phía nam Dải Gaza. Đây là lối thoát khả thi duy nhất cho người Palestine ở dải Gaza-những người đã sống trong địa ngục trong hơn một tuần qua.
Rafah là cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa dải Gaza-lãnh thổ của người Palestine và sa mạc Sinai của Ai Cập. Đây là cửa khẩu duy nhất không bị quân đội Israel giám sát. Ngoài tầm quan trọng về mặt địa lý, cửa khẩu Rafah còn có ý nghĩa quyết định vì nó mang lại cho cư dân dải Gaza khả năng tiếp cận bên ngoài lãnh thổ. Điều này rất quan trọng vì lý do nhân đạo, kinh tế và y tế do lệnh phong tỏa Gaza của Israel kể từ năm 2007. Sự phong tỏa này có tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân Gaza, hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn nhu yếu phẩm và hạn chế quyền tự do đi lại của họ.
Cửa khẩu Rafah nằm ở khu vực biên giới giữa dải Gaza và Ai Cập. Ảnh: Reuters |
Ngay cả trong thời gian bình thường, cửa khẩu Rafah không cho phép người Palestine ra vào một cách tự do. Muốn qua cửa khẩu, người dân Gaza phải đăng ký trước với chính quyền địa phương của Palestine từ 2 đến 4 tuần. Chính quyền Palestine hoặc Ai Cập có quyền từ chối cho người Palestine đi qua cửa khẩu mà không cần giải thích. Theo Liên hợp quốc, tháng 8 vừa qua, 19.608 người Palestine được phép sử dụng cửa khẩu Rafah trong khi 314 người khác bị từ chối.
Vai trò của cửa khẩu Rafah rất quan trọng đối với viện trợ nhân đạo. Đó là cách duy nhất để thiết lập hành lang nhân đạo với Gaza, cho phép người Palestine có thị thực hoặc bị thương nặng rời khỏi lãnh thổ bằng cách quá cảnh qua Sinai và để các đoàn xe nhân đạo đưa vào các nhu yếu phẩm thiết yếu như nước, thực phẩm và nhiên liệu, đặc biệt nhằm cung cấp năng lượng cho máy phát điện trong bệnh viện. Điều này cũng khiến Rafah trở thành đòn bẩy chiến lược cho Israel.
Ngoài Rafah, còn có hai cửa khẩu khác để ra hoặc vào dải Gaza. Một là Erez-cửa khẩu biên giới với Israel ở phía bắc dải Gaza và Kerem Shalom, một khu vực giao thương thuần túy giữa Israel và dải Gaza. Tuy nhiên, cả hai cửa khẩu này hiện đều đóng cửa.
Vai trò của Ai Cập
Cửa khẩu Rafah vẫn đóng cửa kể từ ngày 10-10 sau khi trở thành mục tiêu trong ba vụ đánh bom của Israel hôm 9 và 10-10. Ai Cập tuyên bố đóng cửa cửa khẩu Rafah “cho đến khi có thông báo mới”.
Mặc dù Cairo muốn hợp tác với các nước, trong đó có Mỹ, để đàm phán mở lại biên giới cho người mang hộ chiếu nước ngoài và viện trợ nhân đạo, nhưng chính phủ Ai Cập vẫn lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn “người Palestine bị đẩy vào Sinai” tạo ra một tình thế khó kiểm soát cho Ai Cập, như đã từng xảy ra hồi năm 2008. Thêm vào đó là mối đe dọa khủng bố khi Cairo lo ngại rằng phiến quân Hồi giáo có thể xâm nhập vào lãnh thổ của mình.
Tổng thống Ai Cập al-Sissi nhiều lần bày tỏ quan ngại về nguy cơ dòng người tị nạn tràn vào lãnh thổ nước này trong bối cảnh Israel thông báo khoảng một triệu người Gaza đang di chuyển về phía nam dải Gaza. “Bảo đảm an ninh quốc gia của Ai Cập là trách nhiệm đầu tiên của tôi và tôi sẽ không nhân nhượng trong bất kỳ trường hợp nào”, Tổng thống al-Sissi nói. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh người dân dải Gaza phải “ở lại trên đất của họ” bởi vì sự di dời của họ đồng nghĩa với “việc loại bỏ chính nghĩa của người Palestine”.
Người dân Palestine di chuyển về phía nam dải Gaza với hy vọng được đi qua cửa khẩu Rafah tới Ai Cập. Ảnh: AFP |
Theo trang web Mada Masr, chính quyền Ai Cập đang xem xét một số kịch bản. Một kế hoạch tiếp nhận, cung cấp chỗ ở cho người tị nạn trong lều hoặc trong các tòa nhà công cộng, đang được thảo luận cụ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được kích hoạt theo sáng kiến của Tổng thống Ai Cập và dưới sự giám sát của quân đội.
Việc đóng cửa khẩu Rafah sẽ gây khó khăn cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Nếu không có sự tham gia của các đoàn xe nhân đạo, nhà máy điện duy nhất của Gaza hiện không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu. Ngày 13-10, Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (OCHA) cho biết, một nhà máy khử muối và một kho dự trữ nước đã bị tấn công bởi các cuộc không kích, buộc một bộ phận người dân phải uống nước biển.
Mới đây, ngày 15-10 Ai Cập đã nhận được chuyến hàng thực phẩm đầu tiên dành cho Gaza từ Jordan. Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 12-10 cho biết, sân bay El-Arish nằm cách cửa khẩu Rafah 50km về phía tây “đã được chọn để nhận viện trợ nhân đạo quốc tế”. Hiện tại, viện trợ của Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng như thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu của 300.000 người Gaza do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi đã đến sân bay El-Arish. Tuy nhiên, những công tác hỗ trợ nhân đạo chỉ được thực hiện khi cửa khẩu Rafah được mở.
Chính phủ Ai Cập cho biết cửa khẩu Rafah chỉ được mở cửa trở lại khi bảo đảm an toàn cho nhân sự. Bộ trưởng Năng lượng Israel, ông Israël Katz cho biết, Nhà nước Do Thái không cho phép đưa các nhu yếu phẩm cơ bản hoặc viện trợ nhân đạo vào Gaza cho đến khi Hamas trả tự do những người bị bắt cóc ở Israel hôm 14-10 vừa qua.
Trong khi đó, các nước phương Tây đang cố gắng gây áp lực lên Ai Cập vì lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc sẽ nảy sinh trong khu vực. Ngoại trưởng Anh James Cleverly và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cho biết họ đang làm việc với Israel và Ai Cập để mở cửa khẩu này. Còn Chủ tịch EC von der Leyen ngày 16-10 tuyên bố: “Người Palestine ở dải Gaza đang cần sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo. Đó là lý do tại sao… chúng tôi sẽ triển khai một cầu hàng không nhân đạo của EU tới dải Gaza thông qua Ai Cập. Hai chuyến bay đầu tiên sẽ bắt đầu trong tuần này”.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/xung-dot-israel-hamas-rafah-cua-khau-bien-gioi-chien-luoc-giua-gaza-va-ai-cap-747442
Ý kiến ()