Xúc tiến xuất khẩu hồi: Hướng đến chuỗi sản xuất sạch
LSO- Những năm gần đây, hoa hồi và các sản phẩm chế biến từ hồi Lạng Sơn đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, số lượng và giá cả vẫn còn bấp bênh. Giải pháp là hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất sạch từ khâu trồng – chăm sóc – thu hoạch – bảo quản – chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển thị trường
Hiệu quả từ các chương trình xúc tiến thương mại, sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã tìm kiếm thêm được nhiều thị trường mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và ổn định dần giá cả thu mua cho người nông dân trồng hồi.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, sản phẩm mang thương hiệu “Hoa hồi Lạng Sơn” đã có mặt tại các kệ hàng ở nhiều nước như Trung Quốc, Ecuador, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Ấn Độ. Trong đó, ngoài Trung Quốc ra thì thị trường Ấn Độ hiện đang tiệu thụ 80% sản lượng hồi xuất khẩu, đồng thời cũng là nơi trung chuyển sản phẩm sang các nước khác. Tổng giá trị xuất khẩu hồi của tỉnh tăng dần qua hằng năm. Năm 2012 đạt 19 triệu USD dự ước năm 2015 sẽ đạt 23 triệu USD.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để thúc đẩy xuất khẩu hoa hồi, đầu năm 2015, từ ý tưởng của doanh nghiệp, Sở đã tạo điều kiện để Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn thành lập văn phòng đại diện tại Ấn Độ vào tháng 3/2015. Sau 4 tháng hoạt động, văn phòng đã phát huy được hiệu quả, việc xuất khẩu hoa hồi qua thị trường Ấn Độ và các nước khác đã được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Theo báo cáo công ty, doanh thu từ tháng 4 đến tháng 7/2015 được 23 tỷ đồng, bằng 50% tổng doanh thu của năm 2014.
Đóng gói hoa hồi tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn
Giải pháp bền vững
Mặc dù hiệu quả kinh tế từ xuất khẩu hồi đã tăng dần nhưng so với tiềm năng thì còn hạn chế. Hiện nay, diện tích cây hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 33.500 ha, mới bằng 1/3 diện tích đất có thể trồng hồi của tỉnh.
Cùng với đó, sản phẩm hồi chủ yếu vẫn do các tư thương thu mua đóng bao sơ sài, không tem mác, xuất khẩu đường tiểu ngạch qua Trung Quốc với giá cả bấp bênh. Để hoa hồi có thị trường xuất khẩu ổn định và bền vững thì bên cạnh công tác xúc tiến thương mại thì cần hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm hồi sạch theo quy chuẩn quốc tế.
Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có vùng nguyên liệu đáp ứng được chuỗi sản xuất sạch theo tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển mà công ty đang có ý định hướng đến. Chính vì vây, vừa qua, công ty đã phối hợp với đối tác Ấn Độ tổ chức khảo sát một số diện tích rừng hồi để tiến tới xây dựng mô hình điểm với chuỗi khép kín đảm bảo quy chuẩn chất lượng quốc tế từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Dự kiến công ty sẽ xây dựng hai điểm tại huyện Văn Quan với diện tích mỗi điểm 30.000 m2.
Về vấn đề nâng cao giá trị và xúc tiến xuất khẩu hồi, tại buổi làm việc với đối tác Ấn Độ vào đầu tháng 7 vừa qua, các sở, ngành hữu quan đã đề nghị doanh nghiệp chủ động xây dựng và tham gia phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm hồi theo hướng sản xuất lớn, đáp ứng các yều cầu cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối và vận hành hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Tăng cường liên kết với người nông dân để chọn giống cây chất lượng cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn nằm trong danh mục được phép sử dụng.
Theo thông tin từ Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang phối hợp cùng công ty thực hiện phương án xây dựng vùng nguyên liệu hồi sạch trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, chương trình nhanh chóng được triển khai để giá trị đặc sản hồi Lạng Sơn ngày được nâng cao, thu nhập và đời sống người nông dân trồng hồi được cải thiện.
Tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, tổng giá trị hồi xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 11 triệu USD, trong khi đó giá trị xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn (doanh nghiệp duy nhất thu mua, đăng ký thương hiệu và xuất khẩu hồi trên địa bàn) mới đạt hơn 30 tỷ đồng, tương đương 1,4 triệu USD, bằng 12,7% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Ý kiến ()