Xúc tiến tiêu thụ: Cơ hội cho nông sản Xứ Lạng
LSO- Sau những nỗ lực xúc tiến tiêu thụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, một số nông sản đặc sản của tỉnh đã đến với người tiêu dùng thủ đô thông qua các hệ thống bán lẻ hiện đại. Thế nhưng những rào cản kỹ thuật, hay nói cách khác là những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã đòi hỏi người sản xuất phải thực sự chủ động, đổi mới, trong đó có sự hỗ trợ của các ngành hữu quan.
Các doanh nghiệp phân phối Hà Nội tham quan các sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn
Từ đổi mới sản xuất…
Để vào được hệ thống siêu thị trên địa bàn Thủ đô, việc đầu tiên mà các sản phẩm nông nghiệp Lạng Sơn phải đáp ứng đó là chất lượng và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (chủ chuỗi siêu thị Aeon – Fivimart tại Hà Nội) cho biết: chất lượng ở đây phải được chứng minh bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp (ví dụ như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng sản xuất VietGap – PV), sau đó Công ty sẽ khảo sát thực tế vùng sản xuất, từ đó mới quyết định nhập hay không.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội, không chỉ riêng tại các siêu thị, mà tới đây, các ngành sẽ tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nông sản nhập vào thủ đô. Nông sản Lạng Sơn muốn mở rộng thị trường vào Hà Nội, bắt buộc phải đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lạng Sơn cho biết: thực chất trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 10,2 ha na tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng được công nhận là vùng sản xuất VietGap và một số ít cơ sở sản xuất rau, chè, nấm, măng ớt được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Soi chiếu với những yêu cầu đặt ra, rất ít nông sản đạt được. Đó cũng chính là lý do mà đơn đặt hàng thì nhiều, nhưng vừa qua chỉ có vài tấn nông sản vào được siêu thị.
Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: để xúc tiến tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm về thị trường Thủ đô, hiện nay huyện đang khẩn trương phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng với các hộ sản xuất hình thành các mô hình đủ điều kiện chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây không phải hướng đi đối phó với các rào cản kỹ thuật mà là định hướng lâu dài đối với tất cả các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Điều này đòi hỏi nhà nông phải chủ động hơn nữa trong liên kết và tự giám sát trong sản xuất. Từ sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm buộc phải chuyển sang sản xuất theo nhóm, cùng tuân thủ các quy định, quy chuẩn về an toàn. Đồng thời cũng cần hơn nữa sự tham mưu của các ngành hữu quan để hình thành chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh.
Sự kiện na dai Chi Lăng vào siêu thị Aeon – Fivimart được sự quan tâm của truyền thông trung ương
…Đến tìm hiểu thị trường
Ngoài nắm rõ các rào cản kỹ thuật, người sản xuất còn phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green cho biết: muốn nắm rõ thị hiếu, nhà sản xuất, cung cấp phải thường xuyên liên hệ với nhà phân phối. Phải chuyển biến từ tư duy cung cấp những gì ta có thành cung cấp những gì mà người tiêu dùng cần.
Chẳng hạn sản phẩm măng ớt của Lạng Sơn, người thủ đô rất chuộng nhưng họ chưa ưng vì lọ đựng vẫn làm bằng nhựa, khổ to. Người Hà Nội ưa lọ thủy tinh và vì diện tích nơi ở chật hẹp, người ta thích kích cỡ lọ nhỏ đủ ăn trong vài bữa. Nắm vững điểm này để thay đổi thì khả năng tiêu thụ sẽ lớn và nhanh hơn nhiều.
Các phương tiện vận chuyển cũng là vấn đề. Hầu hết các nhóm sản xuất hiện nay đều không có năng lực đủ mạnh để mua sắm thiết bị vận chuyển. Như vận chuyển na theo hợp đồng đến siêu thị Aeon – Fivimart vừa qua, đơn vị thu gom phải thuê với giá rất cao và sản phẩm cũng bị hạ phẩm cấp trong quá trình vận chuyển.
Bà Hoàng Thị Vang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Lạng Sơn (đơn vị trực tiếp thu gom vận chuyển sản phẩm về Hà Nội) cho biết: mặc dù đã rất chủ động, huy động vốn của các cổ đông, nhưng vẫn chưa đủ để mua sắm phương tiện vận chuyển, chúng tôi rất mong muốn được tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Cần sự vào cuộc của các ngành hữu quan
Song song với sự chủ động của người sản xuất, để tận dụng tốt cơ hội đưa nông sản Xứ Lạng vào hệ thống bán lẻ hiện đại cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành hữu quan.
Sự vào cuộc ấy là xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thành vùng sản xuất VietGap. Song song với đó là tạo điều kiện về nguồn vốn mà hiện nay có nhiều kênh như qũy hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp… và cần thiết tham mưu ban hành chính sách phù hợp.
Những sản phẩm nông sản ở tận Sơn La, Đà Lạt, Tuyên Quang… đã và đang mở rộng thị trường tại thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Nếu so sánh thì nông sản Xứ Lạng thơm ngon, nổi tiếng không kém; xét về địa lý, ta thuận tiện hơn, liền kề với các thị trường lớn hơn… Chỉ ngần ấy điều thuận hơn là nông sản Xứ Lạng đã chiếm thế “thượng phong”, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào sản xuất và hỗ trợ sản xuất mà thôi!
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()