Xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia
Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia đang tăng trưởng nhanh chóng, doanh nghiệp hai nước ngày càng tăng cường tìm hiểu, tìm đối tác phát triển kinh doanh.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chiều 17/12, tại thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), khoảng 80 đại biểu là quan chức quản lý và đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Campuchia đã tham dự Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp giữa hai nước.
Chiếm số đông đại biểu tham dự là đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, đến từ nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Trường, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, cho biết sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế hai nước đang dần phục hồi và phát triển vững chắc.
Cùng với đó, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên cũng đang tăng trưởng nhanh chóng, doanh nghiệp hai nước ngày càng tăng cường tìm hiểu, tìm đối tác phát triển kinh doanh.
Theo ông Phan Văn Trường, với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của công tác xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia phối hợp với Tổng cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại Campuchia), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Campuchia và Hiệp hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia, nhằm giới thiệu, kết nối doanh nghiệp giữa hai nước, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp tự giới thiệu và tìm đối tác hợp tác, phát triển thị trường, mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo xoay quanh chủ đề “Kế hoạch xúc tiến thương mại của Bộ thương mại Campuchia đối với thị trường Việt Nam,” ông Tan Yuvaroat, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại Campuchia) cho rằng Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng có quá trình giao thương lâu đời, Chính phủ hai nước đã nỗ lực thúc đẩy thương mại chính ngạch với các mặt hàng chủ lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất như phân bón nông nghiệp, phân hữu cơ, giống cây trồng, vật tư xây dựng…, cùng các mặt hàng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như rau, cá, thịt, đồ uống…
Theo ông Tan Yuvaroat, Việt Nam có thị trường du lịch giải trí hấp dẫn như điểm đến Phú Quốc, cùng thị trường du lịch khám chữa bệnh, loại dịch vụ mà người dân Campuchia đang có nhu cầu.
Trong lĩnh vực đầu tư, Campuchia từng nhận được nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp nhưng bị đình trệ trong giai đoạn COVID-19 vừa qua.
Gửi gắm kỳ vọng Campuchia sẽ tiếp nhận nhiều thông tin trao đổi thương mại, giới thiệu về hoạt động kinh doanh và thương mại giữa hai nước, ông Tan Yuvaroat chia sẻ “Tuy thời lượng thảo luận ngắn nhưng hi vọng sẽ góp phần cung cấp những thông tin cơ bản, mở đường cho các nhà sản xuất, thương nhân, doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển quan hệ kinh doanh theo nhu cầu của mình.”
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Văn Tuất, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, cho rằng sau thời gian dài bị ảnh hướng của dịch COVID-19, Việt Nam và Campuchia đã mở cửa trở lại, nhất là các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư.
Trong 11 tháng của năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 9,77 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Với đà tăng trưởng này, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 chắc chắn sẽ đạt trên 10 tỷ USD.
Theo ông Ngô Văn Tuất, phát triển nông nghiệp là một trong những chính sách ưu tiên hiện nay của Chính phủ hoàng gia Campuchia, cũng là thế mạnh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam.
Hai nước đều có xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, thế mạnh là nông nghiệp nên có thể đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, hình thành chuỗi cung ứng cung cấp cho thị trường khu vực và thế giới.
Ông Ngô Văn Tuất chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng cùng với luật đầu tư mới của Campuchia, các hiệp định hai bên đã ký kết như Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động, Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương, Hiệp định thương mại biên giới, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần… sẽ là những cơ sở thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, xây dựng, du lịch, dịch vụ thương mại…, nhất là thương mại vùng biên”.
Ý kiến ()