Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm: Đưa sản phẩm của hợp tác xã vươn xa
– Từ việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm của nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 453 HTX, trong đó 80% là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm trước đây, nhiều HTX sản xuất ra sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu của thành viên, người lao động trong HTX hoặc tiêu thụ một phần nhỏ ngay tại địa phương chứ chưa đưa được các sản phẩm ra thị trường bên ngoài.
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cùng các đại biểu tham quan gian hàng xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Lạng Sơn tháng 8/2022 tại Hà Nội
Trước thực tế đó, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đã được các cấp, ngành liên quan, các HTX quan tâm.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: HTX được thành lập từ tháng 3/2017 với hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị cũng như nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, HTX đã chủ động tập trung vào khâu quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chỉ riêng năm 2022, HTX đã tham gia 18 hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh. Không chỉ mang theo sản phẩm của HTX mình, HTX còn chủ động kết nối, đưa các sản phẩm của một số HTX khác để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ tại các hội chợ thương mại. Từ đó, giúp nhiều tổ chức, cá nhân biết đến sản phẩm của HTX trên địa bàn tỉnh và có sự kết nối, hỗ trợ tiêu thụ. Mặc dù không đặt nặng doanh thu do hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm chỉ là khâu kết nối ban đầu, song năm 2022, doanh thu của HTX vẫn duy trì ở mức 1,2 tỷ đồng.
Cùng với HTX nông sản sạch Tràng Định, một số HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh phối hợp tham gia các hội chợ thương mại, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (khoảng 20% số HTX trên địa bàn tỉnh thường xuyên có hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…).
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản Chi Lăng cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, những năm gần đây, HTX đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn; các trang mạng xã hội facebook, zalo… Qua đó, giúp HTX giới thiệu sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước và việc tiêu thụ nông sản của HTX thuận lợi hơn, đặc biệt trong những năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ 150 – 200 tấn na cho người dân.
Các HTX trên địa bàn tỉnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm quả na tại Hà Nội năm 2022
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, các cấp, ngành liên quan cũng có giải pháp cụ thể để hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các HTX để tổ chức tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, cử cán bộ cùng các HTX tham gia chuẩn bị, lựa chọn sản phẩm để quảng bá, giới thiệu cũng như thực hiện các khâu hỗ trợ khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hỗ trợ 3 HTX tham gia hội chợ để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, năm 2022, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho các HTX như: hỗ trợ HTX tham gia 7 hội chợ triển lãm thương mại như: tham gia Chương trình “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2022 do Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức; Hội chợ triển lãm thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm, phiên chợ nông sản, tuần lễ quảng bá nhằm giới thiệu, quảng bá các loại sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn; Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản; tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội…
Thông qua các hoạt động góp phần phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và nước ngoài, từ đó các HTX có cơ hội tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15% số HTX nông nghiệp có sản phẩm tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn. Năm 2022, mặc dù chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, song doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân người lao động từ 3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tập trung nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm
– Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm thì việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Đây là điều kiện cần thiết để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm của hợp tác xã (HTX) một cách bền vững.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng: “Tập trung hỗ trợ HTX xây dựng các sản phẩm OCOP”.
Bên cạnh hỗ trợ HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, những năm gần đây, huyện Chi Lăng còn tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của HTX. Trong đó, nổi bật nhất chính là xây dựng các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 sản phẩm OCOP do HTX sở hữu. Cùng với đó, UBND huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm… Qua đó, giúp các sản phẩm của HTX nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm bên ngoài thị trường.
Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan: “Triển khai hỗ trợ các HTX nông nghiệp”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có 36 HTX đăng ký hoạt động, trong đó có 33 HTX nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả hoạt động của HTX, năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho HTX như: hỗ trợ đưa 3 trí thức trẻ về làm việc tại 3 HTX nông nghiệp; hỗ trợ 2 HTX xây dựng sản phẩm OCOP; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, thành viên HTX; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Hiện trên địa bàn có 10 HTX hoạt động khá, tốt, trong đó một số sản phẩm của HTX có chất lượng tốt như cao khô, cá, cây giống, rau an toàn.
Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, thành phố Lạng Sơn: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp với 2 sản phẩm chủ lực là mật ong và rau an toàn. Trong những năm qua, HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website riêng… Tuy nhiên, HTX cũng xác định rõ, quảng bá tốt mà chất lượng không tốt thì đối tác, người tiêu dùng cũng chỉ mua một lần rồi thôi. Chính vì vậy, song song với quảng bá, giới thiệu, HTX còn tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Để làm được điều đó, HTX đã chủ động đề xuất với các cơ quan liên quan hỗ trợ trí thức trẻ có trình độ cao về làm việc tại HTX. Cùng với đó, các thành viên trong HTX không ngừng tìm tòi, học hỏi ở trong và ngoài tỉnh, trên các phương tiện thông tin, đại chúng, các lớp đào tạo, tập huấn, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; huy động nội lực để đầu tư sản xuất, bao bì… Từ đó, giúp HTX từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.
Ý kiến ()