Xúc tiến thương mại: 'Bệ đỡ' nâng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam
Với sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ năm 2009 lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ vào 2019.
Quy mô thương mại của Việt Nam không ngừng tăng lên trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực ngoại thương vẫn đạt những kết quả tích cực, thặng dư thương mại đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhằm chủ động thích ứng với sự thay đổi của kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì công tác xúc tiến thương mại cũng cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, góp phần nâng cao giá trị của hàng hóa và thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội.
Đóng góp tích cực vào xuất khẩu
Năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% và nhập khẩu khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó. Kết quả này sẽ đưa thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt con số khoảng 7 tỷ USD.
“Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (năm 2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (vào năm 2019).
Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD.
Đáng chú ý, từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh Việt Nam và các nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện.
Trong bối cảnh đó, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại đã thực hiện thí điểm hoạt động trên các ứng dụng trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu hay giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh.
Nổi bật là Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài tổ chức 20 hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria…
Thông qua công tác này đã hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc, làm quen ban đầu với khách hàng mới…
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với con số xuất khẩu hàng tỷ USD trong những năm vừa qua, ngành thủy sản đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam tới các bạn hàng trên thế giới.
“Có được kết quả trên, công tác xúc tiến thương mại là một trong những trụ cột của Hiệp hội và các doanh nghiệp được triển khai nhằm tăng cường việc xây dựng thương hiệu,” đại diện VASEP nói.
Tập trung nâng giá trị hàng xuất khẩu
Có thể thấy, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, theo kiến nghị của đại diện hiệp hội Gỗ Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đóng góp cho an sinh xã hội; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường nước ngoài, nhất là các yêu cầu về chất lượng, phát triển bền vững…
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, cũng nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật song Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia mới chỉ có Đề án cho từng năm trong khi số lượng các Đề án mang tính trung hạn 3-5 năm còn ít; chưa kể quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
Cùng đó, năng lực tổ chức và nguồn lực của các hiệp hội cũng như chính các doanh nghiệp chưa thực sự theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới, của các nghiệp vụ xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành có liên quan.
Vì vậy, nhằm góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP hay RCEP…, ông Phú cho biết thời gian tới hoạt động xúc tiến thương mại sẽ xây dựng chương trình và tập trung cho từng nhóm hàng, thị trường cũng như cho từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh đó, Chương trình xúc tiến thương mại sẽ tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng giá trị cho sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền và tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm theo chu lý 3 năm liên tiếp.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng lưu ý việc đẩy mạnh phối hợp với các Thương vụ tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại triển khai tổ chức kết nối kinh doanh trực tuyến, thúc đẩy giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử…
“Hằng năm, Bộ sẽ hỗ trợ thực hiện đào tạo năng lực triển khai cho các đơn vị chủ trì, doanh nghiệp tham gia cũng như kết nối mạng lưới các thương vụ, trung tâm xúc tiến thương mại ở nước ngoài hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn,” đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin thêm./.
Ý kiến ()