LSO-Bắt đầu từ năm 2010, một số chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở Lạng Sơn đã khởi động và được một số doanh nghiệp hưởng ứng. Qua những “phiên chợ hàng Việt” ở một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn…, không ít doanh nghiệp ngỡ ngàng khi nhận ra thị trường nông thôn Lạng Sơn lại có nhiều tiềm năng đến vậy. Và họ khẳng định đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng tiêu dùng Việt trong những năm tới. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường nông thôn Lạng Sơn vẫn rất “khát” hàng Việt. Phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Bắc SơnXác định tầm quan trọng của cuộc vận động này, ngay sau Thông báo số 264 ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch, và bắt đầu từ năm 2010 đã cụ thể hoá các chương trình hành động. Năm đầu tiên, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí gần 500 triệu đồng để cùng các doanh nghiệp “Đưa hàng Việt về nông...
LSO-Bắt đầu từ năm 2010, một số chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở Lạng Sơn đã khởi động và được một số doanh nghiệp hưởng ứng. Qua những “phiên chợ hàng Việt” ở một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn…, không ít doanh nghiệp ngỡ ngàng khi nhận ra thị trường nông thôn Lạng Sơn lại có nhiều tiềm năng đến vậy. Và họ khẳng định đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng tiêu dùng Việt trong những năm tới. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường nông thôn Lạng Sơn vẫn rất “khát” hàng Việt.
Phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Bắc Sơn
Xác định tầm quan trọng của cuộc vận động này, ngay sau Thông báo số 264 ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch, và bắt đầu từ năm 2010 đã cụ thể hoá các chương trình hành động. Năm đầu tiên, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí gần 500 triệu đồng để cùng các doanh nghiệp “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Không chỉ dừng ở việc cấp kinh phí hoạt động, nhằm “đưa hàng Việt về nông thôn” đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh còn hỗ trợ, cho các doanh nghiệp thực hiện chương trình vay 10 tỷ đồng không tính lãi. Ngay sau đó, các doanh nghiệp tham gia (phần lớn là các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa) đã triển khai. Cũng với chương trình này, cuối năm 2010, đầu năm 2011, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí và cho các doanh nghiệp vay 15 tỷ đồng không tính lãi để đưa hàng Việt về nông thôn và thực hiện bình ổn giá cuối năm. Đến thời điểm này, được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 20 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để thực hiện bình ổn giá và đưa hàng Việt về thị trường nông thôn.
Ngay đầu năm 2011, phiên chợ đầu tiên của năm thuộc chương trình “Hàng Việt về nông thôn” đã diễn ra tại huyện Hữu Lũng trong 3 ngày 7- 9/1/2011. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) – đơn vị đứng ra tổ chức các phiên chợ hàng Việt đã chọn Lạng Sơn để “mở hàng” cho 54 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tổ chức tại các tỉnh trong cả nước. Sau phiên chợ, thống kê, doanh thu của 29 doanh nghiệp tại đây đã đạt 1,54 tỷ đồng, lượng người tham quan và mua sắm đạt mức kỷ lục là 34.200 lượt.. Những tưởng, kết quả tích cực này sẽ khích lệ mạnh mẽ tinh thần của ban tổ chức cũng như doanh nghiệp, tiếp thêm động lực, sức mạnh để họ tiếp tục đưa hàng Việt về tận tay bà con nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn. Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực phân phối hàng hóa bán lẻ như Siêu thị Thành Đô, doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, Công ty CP Du lịch – XNK Lạng Sơn, Công ty Lương thực Cao Lạng là thường xuyên duy trì hoạt động phân phối hàng hóa đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng thực chất, đó chỉ là những hoạt động thường nhật của các đơn vị đó mà thôi.
Không khó để thấy hàng hóa Trung Quốc vẫn còn chiếm thị phần lớn ở những khu vực nông thôn xa xôi. Và ngay cả trong những phiên chợ “hàng Việt”, chúng ta cũng vẫn thấy rất nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nói về sự việc này, đại diện Trung tâm BSA – đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt cho biết, cách thức vận hành mạng lưới phân phối của mình còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn thì mạnh ai nấy làm, chưa thực sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau đánh bật hàng nhái, hàng kém chất lượng khỏi thị trường nông thôn. Trao đổi vấn đề tại sao trong phiên chợ hàng Việt vẫn tồn tại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương – Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, bất cập này ngành chức năng đã nhận thấy, nhưng để ngăn được việc này thì phải kiểm soát chặn ngay từ khâu đăng ký thuê gian hàng trong phiên chợ. Còn khi phiên chợ đã diễn ra, lực lượng QLTT có thể tiến hành kiểm tra, nhưng như vậy sẽ không tốt cho tâm lý khách hàng khi đi tham quan, mua sắm tại phiên chợ.
Trong vài năm trở lại đây, người dân Lạng Sơn nói chung, bà con nhân dân vùng nông thôn nói riêng có thu nhập khá nhờ biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vì thế, sức mua tại thị trường này không nhỏ, chỉ có điều hàng hóa chưa đủ đa dạng để phục vụ nhu cầu này. Người tiêu dùng đi tìm doanh nghiệp hay chính doanh nghiệp phải tìm họ là câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chẳng nhẽ chúng ta đợi một doanh nghiệp tỉnh bạn đến khám phá thị trưởng này? Câu chuyện xúc tiến thị trường nông thôn ở Lạng Sơn hiện đã chậm, nhưng vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp phân phối Lạng Sơn tăng tốc trong việc tạo dựng hình ảnh của mình với bà con nông dân. Và hy vọng, phiên chợ hàng Việt ở huyện Đình Lập và Lộc Bình diễn ra từ ngày 22 – 25/12 sẽ là bước nhảy vọt cho công tác xúc tiến vào thị trường nông thôn tỉnh ta.
Trí Dũng
Ý kiến ()