Xúc động Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" tại Quảng Trị
Tối 11/8, tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và địa điểm Bến thả hoa ở bờ nam sông Thạch Hãn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và 70 năm ký Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 do tỉnh Quảng Trị phối hợp các bộ, ban, ngành tổ chức.
Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Phía tỉnh Quảng Trị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng đông đảo tầng lớp nhân dân.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hôm nay, tại Thành cổ Quảng Trị, bên dòng Thạch Hãn linh thiêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt”.
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, Đảng ta lãnh đạo toàn dân đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao để thống nhất đất nước. Một trong những đỉnh cao chói lọi của nền ngoại giao thế kỷ 20 là Việt Nam đã bền bỉ, kiên trì đấu tranh đi đến ký kết Hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với nghệ thuật quân sự tài tình, kết hợp khéo léo giữa đánh và đàm, Đảng đã lãnh đạo quân và dân lập nên nhiều chiến công hiển hách, trong đó có thắng lợi của Chiến dịch xuân hè 1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải đàm phán ký kết Hiệp định Paris vào năm 1973. Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Để có được những chiến công hiển hách, những thắng lợi vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã chịu biết bao đau thương và mất mát. Với lòng thành kính biết ơn vô hạn, tri ân những người con của Tổ quốc, Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” mong muốn truyền tải thông điệp mà lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các vị cách mạng tiền bối, các Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Chính vì vậy, chương trình được xây dựng mang đậm tính chất chính luận, nghệ thuật và nhân văn sâu sắc, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khắc họa về hình ảnh của một thế hệ thanh niên phơi phới tuổi xuân, sẵn sàng xếp bút nghiên để ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định tại chương trình, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo tốt công tác thương binh-liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tham gia tích cực các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng tham gia các chủ trương của Đảng và Nhà nước để người có công với nước có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; cũng như kêu gọi các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân…đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt được dàn dựng công phu, hoành tráng, kết hợp giữa các gam màu nghệ thuật truyền thống với kỹ thuật sân khấu hiện đại, diễn ra xúc động và trang nghiêm với 3 chương cùng sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Quang Thọ, Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, Ca sĩ Tùng Dương, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Dương Hoàng Yến, Phạm Khánh Ngọc, Viết Danh, Nhóm Oplus…; các cựu chiến binh, các em thiếu nhi với những ca khúc cách mạng bất hủ vang lên trong màn đêm Thành Cổ như làm sống lại những năm tháng gian khó và rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Chương 1 với nội dung “Mãi mãi tuổi hai mươi” tái hiện lại thời kỳ lịch sử với những thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi rời giảng đường đại học lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia chiến đấu tại những chiến trường ác liệt, trong đó biết bao tinh hoa, anh tài của đất nước đã hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Chương 2 có nội dung “Viết nên huyền thoại” là câu chuyện về những người mẹ tiễn các con lên đường ra trận. Các anh ra đi mang theo tình mẹ nơi hậu phương.
Chương 3 “Vang mãi khúc quân hành” là xúc cảm của ngày hôm nay, của Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng đang vươn mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành biểu tượng của những giá trị nhân văn cao đẹp, lương tri nhân loại.
Ý kiến ()