Xuất siêu: Những tín hiệu vui
LSO-Từ đầu năm 2014 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn nghiêng về xuất. Điều đó không những phản ánh Lạng Sơn đã thu hút tốt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước mà còn phát huy lợi thế một tỉnh là cửa ngõ Asean tiếp giáp với Trung Quốc.
![]() |
Hải quan ga đường sắt Đồng Đăng giám sát các toa hàng xuất khẩu |
Đến giữa tháng 8/2014, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2013. Trong đó xuất siêu đạt 15 triệu USD. Có thể nói đấy là những tín hiệu vui trong xuất nhập khẩu ở Lạng Sơn bởi đã nhiều năm nay qua địa bàn cơ bản là nhập siêu, có những năm tổng nhập siêu lên tới trên 100 triệu USD. Những mặt hàng nhập chủ yếu là máy móc, kim loại màu, ô tô nguyên chiếc, hoa quả, trong khi đó mặt hàng xuất đa phần là nông sản thô với tổng trọng lượng trên 4 triệu tấn. Thế nhưng đó là quãng thời gian trước đây còn hiện nay việc xuất nhập khẩu hàng hóa đã diễn ra theo chiều hướng khác đó là xuất siêu. Hiện Lạng Sơn đã thu hút gần 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong cả nước. Để thu hút doanh nghiệp, hằng năm lãnh đạo tỉnh đã tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn như thuế, hải quan, các lực lượng làm nhiệm vụ tại biên giới luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Vì thế số doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày càng đông lên. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đã chuyển hàng từ các cửa khẩu khác về Lạng Sơn.
Hằng năm ngành Hải quan, Thuế thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp để thu hút. Từ đầu năm 2014 đến nay riêng ngành Thuế, Hải quan đã tổ chức 17 cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Cử nhiều đoàn công tác đến tận các doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp qua địa bàn. Ông Trần Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết, hằng năm chi cục đều tổ chức thăm hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn, tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc trực tiếp cho họ nên đã thu hút họ đến với Lạng Sơn. Cũng chính vì vậy mà trước đây Chi cục chỉ thu tầm 20 tỷ đồng cũng chật vật, hiện nay giao thu gấp đôi nhưng vẫn có thể hoàn thành. Từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cốc Nam đã đạt trên 110 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã khuyến khích đầu tư vào khu vực biên giới cửa khẩu. Lập nhiều điểm thông quan tại các cửa khẩu phụ. Vì vậy đã đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Hiện đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư bến bãi trung chuyển hàng hóa với diện tích lên tới gần 100 ha đủ sức phục vụ xếp dỡ, sang tải. Đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu luôn tạo điều kiện cao nhất cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ông Liễu Anh Minh, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Sở Công thương Lạng Sơn khẳng định: “Đến Lạng Sơn, các doanh nghiệp xuất nông sản bao giờ cũng được ưu tiên cấp nhanh xuất xứ hàng hóa để hưởng các chính sách ưu đãi. Vì vậy từ đầu năm đến nay phòng đã cấp trên 17 nghìn bộ xuất xứ hàng hóa, tăng 2 nghìn bộ so với cùng kỳ cho trên 1,3 triệu tấn nông sản. Qua đó góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu qua biên giới”.
Từ xuất siêu đã tạo ra một hệ thống các dịch vụ phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu như bốc dỡ hàng hóa, sang tải, khai báo dịch vụ hải quan tạo điều kiện cho trên 3.000 lao động phổ thông tại biên giới có việc làm. Cùng với đó các chính sách thu phí, thuế theo hình thức phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã giúp chứng minh chi phí hợp lý, tháo gỡ khó khăn về chính sách cho doanh nghiệp tạo nguồn thu cho tỉnh. Kết quả xuất siêu đã minh chứng cho chính sách phục vụ minh bạch hơn, tạo sự hài lòng để thu hút doanh nghiệp. Nó cũng tạo những tín hiệu tốt lành tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thu hút xuất nhập khẩu qua địa bàn trong những năm tiếp theo.
ĐÔNG BẮC

Ý kiến ()