Xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn năm 2013: Niềm vui nửa chặng đường
LSO-Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong gần 6 tháng đầu năm 2013 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như: hoa quả, tinh bột sắn, sắn lát khô … đều đạt con số ấn tượng.
LSO-Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong gần 6 tháng đầu năm 2013 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như: hoa quả, tinh bột sắn, sắn lát khô … đều đạt con số ấn tượng. Cùng đó, một số mặt hàng có thuế cao như linh kiện điện tử, hóa chất, máy móc nguyên chiếc… cũng được nhập khẩu nhiều hơn qua cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn. Với những con số ấn tượng, tin chắc tổng kim ngạch XNK qua địa bàn năm nay sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) |
Theo báo cáo của Sở Công thương, sau gần 6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch XNK qua địa bàn được 1.300 triệu USD, đạt 59,09% kế hoạch giao, tăng 29,61% so với cùng kỳ năm 2012. Con số này cho thấy hoạt động XNK qua địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tăng trở lại. Đây chính là một tín hiệu vui, vì qua đó có thể thấy các doanh nghiệp hoạt động XNK đã tạm vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Tại cuộc hội thảo về thúc đẩy việc xuất khẩu vải thiều tại tỉnh Bắc Giang vào cuối tháng 5/2013, ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Thời gian của năm 2013 đã qua gần nửa chặng đường, kim ngạch xuất khẩu qua Lạng Sơn được 710 triệu USD, (đạt 67,62% kế hoạch, bằng 153,02% so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu được 590 triệu USD, đạt 51,30% kế hoạch (bằng 109,46% so với cùng kỳ). So sánh giữa kinh ngạch xuất khẩu và nhập khẩu thì thấy ngay, hàng hóa XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đạt tỷ lệ xuất siêu cao, đặc biệt là tại cửa khẩu Tân Thanh, tỷ lệ xuất siêu trong vài năm qua luôn vượt hơn 10%. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách của tỉnh và của ngành hải quan Lạng Sơn đã thông thoáng, đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn. Theo lãnh đạo Sở Công thương, sở dĩ xuất khẩu tăng trưởng khá là do bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ các khó khăn, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, cụ thể là các chính sách về ưu đãi và kêu gọi đầu tư, chính sách hỗ trợ vốn, mặt bằng… Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia tích cực vào công tác xuất khẩu.
Minh chứng cụ thể về việc tỉnh luôn tìm hiểu và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động XNK qua các cửa khẩu của tỉnh được nhanh chóng và thuận tiện đó là, trong tháng 4 và 5/2013, UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định (số 439/QĐ-UBND ngày 15/4/2013 và số 593/QĐ-UBND ngày 9/5/2013) về việc bố trí lực lượng để quản lý và làm thủ tục cho hàng hóa XNK, người và phương tiện vận tải xuất – nhập cảnh tại Pò Nhùng (Bảo Lâm, Cao Lộc) và Co Sa (Tú Mịch, Lộc Bình). Không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm thủ tục tại các cửa khẩu trên, tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đi vào các khu vực cửa khẩu biên giới, việc này cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK trong 6 tháng đầu năm 2013. Một nguyên nhân chủ quan không kém phần quan trọng đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu qua biên giới. Đặc biệt, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu đã tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xách tay… nhằm ngăn chặn việc gian lận thương mại, trốn thuế. Chính việc này đã tạo lòng tin để các doanh nghiệp mạnh dạn nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động XNK đã khắc phục khó khăn về vốn, chủ động tìm thị trường, mở rộng sản xuất…, điều này đã góp phần làm tăng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu trong thời gian qua.
Kết quả xuất khẩu thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đánh giá đầy đủ thì kết quả này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Giá trị kim ngạch chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp ở các địa phương khác, doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn hạn chế. Song với sự tập trung cao độ và với quyết tâm đẩy mạnh đầu tư, phát triển khu kinh tế cửa khẩu, tin rằng, Lạng Sơn sẽ có những giải pháp tốt nhất để thu hút nhiều doanh nghiệp đến với tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động XNK.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()