Thứ 7, 23/11/2024 04:19 [(GMT +7)]
Xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn: Triển vọng cho quý II
Thứ 4, 21/03/2012 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song không ít doanh nghiệp vẫn chủ động nắm bắt thị trường, mạnh dạn đầu tư, mở rộng và hoàn thiện cơ sở sản xuất, mở rộng mặt hàng, ngành hàng và từng bước nâng cao năng lực sản xuất.
LSO-Theo báo cáo Cục Hải quan Lạng Sơn, tháng 2/2012, mặc dù vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán song hoạt động XNK qua địa bàn Lạng Sơn giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể: kim ngạch XNK giảm 12%, đặc biệt kim ngạch nhập khẩu giảm 13%. Tuy nhiên, bước vào tháng 3, nhất là những ngày cuối quý I, XNK qua địa bàn đã có những tín hiệu tích cực hơn. Theo dự ước, hết quý I, tổng kim ngạch XNK sẽ được 560 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự khả quan về XNK trong quý II/2012.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng
Bước vào thực hiện kế hoạch trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới chưa được ổn định đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Phần lớn thời gian của quý I/2012, kim ngạch nhập khẩu và cả xuất khẩu qua địa bàn đều giảm. Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, so với cùng kỳ, kim ngạch hàng nhập khẩu giảm, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng: hóa chất, thuốc trừ sâu giảm 57%; nhóm sản phẩm thủy tinh giảm 24%; nhóm mặt hàng ô tô nguyên chiếc giảm 65%; nhóm máy móc thiết bị giảm 83%; nhóm phụ tùng linh kiện ô tô giảm 71%; nhóm mặt hàng linh kiện phụ tùng máy giảm 45%. Kim ngạch xuất khẩu tại đây cũng giảm so với cùng kỳ (nhân hạt điều giảm 93%, mặt hàng cây cảnh giảm 63%). Không chỉ cửa khẩu Hữu Nghị, tại cửa khẩu Cốc Nam và nhất là cửa khẩu Chi Ma, lượng hàng hóa XNK đều giảm. Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng – Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết rằng, thông qua số lượng tờ khai hàng hóa XNK trong tháng 2/2012 – tháng quan trọng của quý I thì thấy rõ ràng tổng kim ngạch XNK trong quý giảm là điều tất yếu (trong tháng 2 toàn Cục đã làm thủ tục cho 8.087 bộ tờ khai hàng hóa XNK). Trong tháng này, số thu thuế XNK cũng giảm 28% (147,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Sự sụt giảm đơn hàng, giá cả biến động, rủi ro về tỷ giá… là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quý I/2012, vì thế, kim ngạch nhập khẩu giảm là điều tất yếu.
Tuy nhiên, từ ngày 13/3, lãi suất huy động giảm 1%, song song với đó, lãi suất cho vay cũng đồng thời giảm tương ứng đã tạo một khí thế lạc quan hơn cho các doanh nghiệp. Qua đó, cuối tháng 3, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh hơn hoạt động sản xuất. Trao đổi về tình hình sản xuất, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, một doanh nghiệp sản xuất các loại ống nhựa và sản phẩm từ nhựa cho biết, lãi suất giảm, cộng với tình hình kinh tế thế giới dần ổn định, các đơn đặt hàng đã tăng trở lại. Riêng đối với các đơn vị sản xuất nhựa trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hết quý II. Với xu thế này, chắc chắn trong thời gian tới, lượng hàng nhựa xuất khẩu như: bao bì, tấm bạt, đồ nhựa gia dụng của Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng sẽ tăng trở lại. Ngoài các sản phẩm từ nhựa, một số sản phẩm khác như gỗ, cây cảnh, đá… cũng sẽ tăng. Niềm tin kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn sẽ tăng mạnh vào quý II hoàn toàn có cơ sở. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn là hoa quả, nông sản. Mà theo thời vụ, sau tháng 3, một số loại hoa quả: dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối… sẽ vào thời điểm thu hoạch. Ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CK Tân Thanh cho rằng: theo thông lệ, từ tháng 4, số lượng hoa quả xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh luôn chiếm tỷ trọng lớn.
Bốc xếp vận chuyển hàng xuất nhập khẩu tại ga quốc tế Đồng Đăng
Trung tuần tháng 3, tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp hoạt động XNK, lãnh đạo Sở Công thương đã nhận định: XNK qua địa bàn trong quý II sẽ tăng. Sở dĩ mục tiêu này được đặt niềm tin là do bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ khó khăn, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ vốn, mặt bằng… Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia tích cực vào công tác xuất khẩu. Một nguyên nhân chủ quan không kém phần quan trọng, đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ…
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song không ít doanh nghiệp vẫn chủ động nắm bắt thị trường, mạnh dạn đầu tư, mở rộng và hoàn thiện cơ sở sản xuất, mở rộng mặt hàng, ngành hàng và từng bước nâng cao năng lực sản xuất.
Triển vọng là vậy, tuy nhiên, theo dự báo thì xuất nhập khẩu năm 2012 sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do sự khó khăn về kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, chủ động tìm bạn hàng để bù đắp vào khoản thiếu hụt đơn hàng từ quý I.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()