LSO-Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, tháng cuối năm (từ 16/11 – 15/12), kim ngạch XNK tăng mạnh so với thời điểm trước đó (tăng 13%). Kim ngạch XNK tháng cuối năm tăng đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm đạt 4.599,7 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2.341,3 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 2.258.4 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Một góc khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn LãngNhư vậy có thể thấy, sau nhiều tháng trầm lắng thì vào dịp cuối năm, kim ngạch XNK đã tăng trưởng đột biến. Việc hoạt động XNK qua địa bàn Lạng Sơn tăng trở lại là do vào thời điểm cuối năm, nhu cầu phía Trung Quốc tăng nên một số mặt hàng như: nhân hạt điều, tinh bột sắn, chè xanh khô, hải sản khô… được các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh hơn. Cụ thể như: mặt hàng nhân hạt điều kim ngạch tăng 32%, tinh bột sắn kim ngạch tăng 22,7%. Đặc biệt, tình...
LSO-Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, tháng cuối năm (từ 16/11 – 15/12), kim ngạch XNK tăng mạnh so với thời điểm trước đó (tăng 13%). Kim ngạch XNK tháng cuối năm tăng đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm đạt 4.599,7 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2.341,3 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 2.258.4 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Một góc khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng
Như vậy có thể thấy, sau nhiều tháng trầm lắng thì vào dịp cuối năm, kim ngạch XNK đã tăng trưởng đột biến. Việc hoạt động XNK qua địa bàn Lạng Sơn tăng trở lại là do vào thời điểm cuối năm, nhu cầu phía Trung Quốc tăng nên một số mặt hàng như: nhân hạt điều, tinh bột sắn, chè xanh khô, hải sản khô… được các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh hơn. Cụ thể như: mặt hàng nhân hạt điều kim ngạch tăng 32%, tinh bột sắn kim ngạch tăng 22,7%. Đặc biệt, tình hình XNK năm 2012 nổi lên một điểm sáng đối với riêng tỉnh Lạng Sơn, đó là hàng hóa của địa phương xuất khẩu đã tăng mạnh, đạt 61 triệu USD, đạt 100% kế hoạch đề ra. Mặt hàng chủ lực của địa phương xuất khẩu mạnh trong năm là sắt lát khô.
Theo lãnh đạo Sở Công thương cho biết, trong quý I/2012, tổng kim ngạch XNK giảm tới 22%, trong đó kim ngạch nhập khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm 2011. Nhất là từ tháng 6 đến trung tuần tháng 8 năm 2012, tình hình xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do phía Trung Quốc quản lý chặt các mặt hàng nhập khẩu đã ảnh hưởng nặng nề đến kim ngạch XNK của Việt Nam. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước hoạt động cầm chừng nên một số mặt hàng thường nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị như: ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, phân bón, hóa chất, đá xẻ, thép tấm, hàng tiêu dùng… giảm. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tổng kim ngạch XNK qua địa bàn Lạng Sơn trong năm 2012. Nhận định được vấn đề, để tăng kim ngạch XNK qua địa bàn trong những tháng cuối năm, Lạng Sơn đã vận dụng linh hoạt các chính sách về XNK, tạo cơ chế thoáng để các doanh nghiệp thấy yên tâm khi hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu Lạng Sơn. Không chỉ có cơ chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nỗ lực nâng cấp kết cấu hạ tầng các cửa khẩu có kim ngạch XNK cao như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam… và nâng cấp một số cặp chợ biên giới để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa được thuận tiện hơn. Một giải pháp mà ngành Công thương Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh là rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa XNK, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho mặt hàng hoa quả, nông sản nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế. Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trên địa bàn được vay vốn ưu đãi theo chính sách của Chính phủ. Đây là yếu tố tiên quyết để bản thân các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Lạng Sơn có thể tăng cường năng lực cạnh tranh, từ đó cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động XNK.
Sau một thời gian tạm “lắng” xuống, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đã đẩy mạnh hoạt động XNK qua cửa khẩu Lạng Sơn. Do đó, tình hình XNK tại Lạng Sơn trở nên nhộn nhịp hơn. Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: mặc dù tình hình XNK năm 2012 gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tập trung ở 2 khâu đột phá là cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan. Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm và hiệu quả pháp luật về thuế nhằm chống thất thu và gian lận thương mại. Cục Hải quan Lạng Sơn chủ động đề xuất tham mưu xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ, chính sách thuế ảnh hưởng tới công tác quản lý thu nộp NSNN, đề ra các biện pháp chống thất thu về lượng, tên hàng, trị giá, xuất xứ, mức thuế, miễn thuế, hoàn thuế. Trong thời gian qua, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng đơn vị hải quan đã đưa ra các giải pháp phù hợp. Để triển khai có hiệu quả, các chi cục hải quan đã phân công rõ nhiệm vụ cho cán bộ kiểm tra hồ sơ để yêu cầu chỉnh sửa ngay các thiếu sót theo đúng quy định, nhằm tránh sai sót trong áp mã, tính thuế mặt hàng.
Kết quả đạt được nêu trên là rất đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm và để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư; tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã và đang tạo cơ chế mở cùng các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa bàn, qua đó sẽ thúc đẩy hoạt động XNK. Không chỉ vậy, năm 2013, UBND tỉnh sẽ tăng kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại lên hơn 1.555 triệu đồng (năm 2012 là 1.070 triệu đồng). Điều này sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho các thương nhân doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Trung ương và địa phương; tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hóa nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh XNK.
Trí Dũng
Ý kiến ()