Xuất Lễ đổi thay nhờ rừng
LSO-Xuất Lễ là xã vùng của huyện Cao Lộc, những năm qua, phát huy tiềm năng thế mạnh về đồi rừng của địa phương, bà con nông dân đã kiên trì, biến những quả đồi chỉ toàn cây bụi, cỏ gianh thành những rừng hồi, thông, sở… xanh mát.
LSO-Xuất Lễ là xã vùng của huyện Cao Lộc, những năm qua, phát huy tiềm năng thế mạnh về đồi rừng của địa phương, bà con nông dân đã kiên trì, biến những quả đồi chỉ toàn cây bụi, cỏ gianh thành những rừng hồi, thông, sở… xanh mát. Cùng với màu xanh ngút ngàn của núi rừng biên cương là cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng tốt đẹp hơn. Bản làng như được khoác lên mình một chiếc áo mới với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những con đường được bê tông trải dài xen lẫn những rừng thông, hồi đẹp mắt.
Nhân dân xã Xuất Lễ phát dọn thực bì rừng thông |
Xã Xuất Lễ có trên 1.000 hộ gia đình, trên 5.000 nhân khẩu cùng sinh sống ở 15 thôn bản. Với ¾ diện tích là đồi rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã xác định rừng chính là thế mạnh, là chìa khóa để giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân. Vì vậy, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đối với cuộc sống, được người dân hưởng ứng, tích cực. Từ năm 1996 đến năm 2004, thực hiện các dự án trồng rừng 327, 661, trồng cây nhân dân, toàn xã đã trồng được gần 1.000 ha rừng gồm: hồi, thông, sở…100% số thôn đều có rừng, trong đó, nhiều thôn có diện tích rừng lớn như: Khuổi Tát, Thạch Khuyên, Pò Mã, Pò Liềng, Sả Thướn, Bản Làng… hộ trồng ít cũng có khoảng 0,5 ha, hộ trồng nhiều lên đến cả 20 ha. Bắt đầu từ năm 2009, một số rừng thông đã cho khai thác nhựa, rừng đã đem về cho người dân một nguồn thu nhập đáng kể, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay trong năm đầu tiên đã có hộ đạt mức thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông. Ông Hoàng Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: hiệu quả thiết thực từ rừng mang lại tiếp tục thúc đẩy phong trào trồng rừng của xã phát triển mạnh. Trong các năm gần đây, xã đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng được giao. Ngoài ra, bà con nông dân còn chủ động mua thêm giống cây lâm nghiệp về trồng. Tính đến nay, toàn xã đã trồng được trên 2.000 ha rừng, trong đó 80% là thông, còn lại là hồi, sở, bạch đàn…Cơ bản diện tích rừng đã được phủ xanh. Hiện toàn xã có khoảng 200ha thông đang cho khai thác nhựa, một số hộ đã đạt mức thu nhập từ 50 -70 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông nên bà con rất phấn khởi. Ông Dương Văn Phúc, thôn Thạch Khuyên vui vẻ cho biết: gia đình trồng được 8 ha rừng, chủ yếu là thông, hiện hơn 4 ha đang cho khai thác nhựa, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm gia đình đều khai thác nhựa được trên 70 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ rừng, đời sống của gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, rừng đã giúp gia đình ông lo cho 2 con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng được chu đáo. Nhờ có thu nhập từ rừng, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Trong xã hiện có khoảng 10 hộ đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/năm, gần 100 hộ đạt mức thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông. Thu nhập từ rừng đã giúp cho nhiều hộ xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm được các tiện nghi có giá trị phục vụ sinh hoạt, chăm sóc, lo cho con cái học hành chu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 30% năm 2007 đến nay xuống còn 22,65%. Khi phong trào trồng rừng đã phát triển mạnh, việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được xã đặc biệt chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo về rừng được xã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện, Đồn Biên phòng Ba Sơn thực hiện thường xuyên, liên tục. Ông Hà Quang Hảo, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Cao Lộc phụ trách địa bàn xã cho biết: được tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn cách quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên nên ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân được nâng lên rõ rệt.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()